Vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon: Cơ chế kích nổ và ẩn ý phía sau
Theo Reuters, rất có thể một lượng nhỏ thuốc nổ đã được cho vào bên trong khoảng 5.000 máy nhắn tin mà lực lượng Hezbollah đặt hàng vài tháng trước vụ nổ xảy ra tối 17-9 (giờ địa phương).
Theo Reuters, rất có thể đây là một âm mưu đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng. Tờ báo cũng trích nguồn tin an ninh cấp cao của Lebanon cho biết Hezbollah đã đặt hàng 5.000 máy nhắn tin với một công ty nước ngoài. Nhiều nguồn tin cho biết số máy này đã được đưa vào Lebanon từ mùa xuân năm nay. Nguồn tin này cũng đã xác định được một bức ảnh về mẫu máy nhắn tin AP924, giống như các máy nhắn tin khác, có thể nhận và hiển thị tin nhắn văn bản nhưng không thể thực hiện cuộc gọi điện thoại.
![]() |
Đã có 9 người thiệt mạng và gần 3.000 người bị thương do vụ nổ máy nhắn tin ở Lebanon. Ảnh: Reuters |
Các chiến binh Hezbollah đã sử dụng máy nhắn tin như một phương tiện liên lạc công nghệ thấp nhằm tránh bị Israel theo dõi vị trí.
Nguồn tin cấp cao của Lebanon cáo buộc, rất có thể Mossad đã đặt một bảng mạch chứa vật liệu nổ có thể nhận mã vào bên trong thiết bị và rất khó có thể bị phát hiện bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả máy quét.
3.000 máy nhắn tin đã phát nổ khi một tin nhắn mã hóa được gửi đến máy, đồng thời kích hoạt chất nổ.
Một nguồn tin an ninh khác nói với Reuters rằng có tới 3 gram thuốc nổ được giấu trong các máy nhắn tin mới và đã không bị Hezbollah phát hiện trong nhiều tháng.
Cả Israel và công ty nước ngoài cung cấp máy nhắn tin cho Hezbollah đều chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Một quan chức Hezbollah cho biết vụ nổ là “sự vi phạm an ninh lớn nhất” kể từ khi xung đột tại Gaza giữa Israel và Hamas nổ ra ngày 7-10-2023.
Máy nhắn tin và cơ chế phát nổ
Máy nhắn tin là thiết bị liên lạc được sử dụng phổ biến trước khi xuất hiện điện thoại di động. Các thiết bị này sẽ hiển thị một tin nhắn văn bản ngắn cho người dùng, được chuyển tiếp qua điện thoại thông qua một tổng đài viên.
Không giống như điện thoại di động, máy nhắn tin hoạt động bằng sóng vô tuyến, người vận hành sẽ gửi tin nhắn bằng tần số vô tuyến thay vì Internet, tùy thuộc vào thiết bị của người nhận.
Về cơ bản, công nghệ được sử dụng trong máy nhắn tin và phần cứng vật lý khiến máy nhắn tin khó bị theo dõi hơn. Điều này giúp máy nhắn tin trở nên phổ biến với các lực lượng như Hezbollah, nơi cả tính di động và an ninh đều được quan tâm tối đa.
Về cơ chế hoạt động, Aljazeera phân tích, nếu pin lithium của máy nhắn tin bị kích hoạt quá nhiệt thì sẽ khởi động một quá trình gọi là mất kiểm soát nhiệt. Về cơ bản, một phản ứng dây chuyền hóa học sẽ xảy ra, dẫn đến nhiệt độ tăng cao và cuối cùng là pin phát nổ dữ dội. Tuy nhiên, việc kích hoạt phản ứng dây chuyền đó trong nhiều thiết bị chưa bao giờ được kết nối với Internet lại không hề đơn giản.
Cựu giám đốc CIA John Brennan nói với NBC News rằng các máy nhắn tin có một số loại chất nổ trong phần cứng. Ông suy đoán rằng các máy nhắn tin tại một thời điểm nào đó đã bị chặn và chuyển đổi “thành những máy mà Hezbollah nghĩ là vô hại”.
![]() |
Túi của một người đàn ông phát nổ trong một siêu thị ở Beirut, Lebanon ngày 17-9. Ảnh: Reuters |
Nicholas Reese, giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm các vấn đề toàn cầu thuộc Khoa nghiên cứu chuyên nghiệp của Đại học New York, giải thích rằng điện thoại thông minh có nguy cơ bị nghe lén thông tin cao hơn so với công nghệ máy nhắn tin đơn giản hơn.
Từng là một sĩ quan tình báo, Reese cho biết loại tấn công này cũng sẽ buộc Hezbollah phải thay đổi chiến lược liên lạc của họ và rằng những người sống sót sau vụ nổ có thể sẽ vứt bỏ không chỉ máy nhắn tin mà cả điện thoại, máy tính bảng hoặc bất kỳ thiết bị điện tử nào khác.
Một số chuyên gia giải thích với AP rằng các vụ nổ rất có thể là kết quả của sự can thiệp vào chuỗi cung ứng. Các thiết bị nổ cực nhỏ có thể đã được gắn vào máy nhắn tin trước khi chuyển giao cho Hezbollah và sau đó tất cả đều được kích hoạt từ xa cùng một lúc, có thể bằng tín hiệu vô tuyến.
Carlos Perez, Giám đốc tình báo an ninh tại TrustedSec cho biết, vào thời điểm xảy ra vụ việc, "có lẽ pin của những máy nhắn tin này gồm một nửa là chất nổ, một nửa là pin thật đã được kích hoạt bằng tín hiệu vô tuyến".
Một cựu sĩ quan xử lý bom mìn của Lục quân Anh giải thích rằng một thiết bị nổ bao gồm 5 thành phần chính: Một hộp chứa, một viên pin, một thiết bị kích nổ, một kíp nổ và một lượng nổ. Theo cựu sĩ quan này “một máy nhắn tin đã có ba thứ trong đó rồi” và “tất cả những gì cần làm chỉ là thêm kíp nổ và thuốc nổ”.
![]() |
Hiến máu cho những người bị thương do máy nhắn tin phát nổ tại một trung tâm Chữ thập đỏ ở thành phố cảng phía Nam Sidon, Lebanon. Ảnh: AP |
Sean Moorhouse, cựu sĩ quan quân đội Anh và là chuyên gia xử lý bom mìn cho biết: "Khi xem video, mức độ sát thương của vụ nổ tương tự như vụ nổ do một kíp nổ điện đơn lẻ gây ra hoặc một kíp nổ có lượng thuốc nổ cực nhỏ nhưng mạnh".
NR Jenzen-Jones, chuyên gia về vũ khí quân sự, Giám đốc của Armament Research Services có trụ sở tại Australia, lưu ý rằng Israel đã từng bị cáo buộc thực hiện các hoạt động tương tự trong quá khứ. Năm ngoái, AP đưa tin Iran đã cáo buộc Israel cố gắng phá hoại chương trình tên lửa đạn đạo của mình thông qua các bộ phận nước ngoài bị lỗi có thể phát nổ, làm hỏng hoặc phá hủy vũ khí trước khi chúng có thể được sử dụng.
Elijah J. Magnier, một cựu chiến binh tại Brussels và là một nhà phân tích rủi ro chính trị cấp cao với hơn 37 năm kinh nghiệm trong khu vực, cho biết "các máy nhắn tin đã hoạt động hoàn hảo trong 6 tháng" trước khi phát nổ.
Ẩn ý phía sau
Trong một tuyên bố, Hezbollah nhấn mạnh Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hoạt động tấn công này. Bất chấp lời lên án tương tự từ Bộ trưởng Thông tin Lebanon Ziad Makary, phía Israel vẫn giữ im lặng. Bộ Ngoại giao Lebanon cũng đã lên án những gì họ gọi là "cuộc tấn công mạng của Israel" và cho biết sẽ gửi đơn khiếu nại về vụ nổ này lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Theo cựu giám đốc CIA John Brennan, mọi nghi ngờ đều đổ dồn về phía Israel. Ông tin rằng, dù có được bên nào thực hiện thì ý định của bên thực hiện vụ việc là gửi một thông điệp tới Hezbollah về khả năng tiếp cận lực lượng ở bất cứ đâu, dù là ở bên trong Lebanon.
Theo ông John Miller, Trưởng phòng phân tích tình báo và thực thi pháp luật của CNN, một phần thông điệp của cuộc tấn công được gửi tới Hezbollah là: “Chúng tôi có thể tiếp cận các người ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, vào thời điểm mà chúng tôi chọn và chúng tôi có thể làm điều đó chỉ bằng một nút bấm”.
Ngoài ra, ông Miller còn nhận định rằng chiến dịch này có thể làm giảm khả năng tuyển dụng của Hezbollah và làm xói mòn lòng tin vào ban lãnh đạo cũng như khả năng bảo vệ nhân sự và hoạt động vận hành của lực lượng.
Amos Yadlin, cựu Giám đốc tình báo quân sự Israel và là một trong những chuyên gia chiến lược hàng đầu của nước này, cho biết cuộc tấn công đã thể hiện “năng lực thâm nhập, công nghệ và tình báo rất ấn tượng”. Ông suy đoán rằng, bên tấn công có thể muốn trực tiếp gửi một thông điệp cảnh báo tới lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah.
Kim Ghattas, một nhà báo người Lebanon và là cộng tác viên của tạp chí The Atlantic, cho biết vụ tấn công rất có thể là một nỗ lực “để khuất phục Hezbollah và làm rõ rằng việc gia tăng các cuộc tấn công của lực lượng này vào Israel sẽ phải đối mặt với phản ứng thậm chí còn dữ dội hơn nữa”, hoặc rất có thể đây chỉ mới là “khúc dạo đầu cho một chiến dịch quy mô lớn hơn” chống lại Hezbollah. Kim Ghattas cũng gọi cuộc tấn công này là một sự kiện giống như trong khoa học viễn tưởng.
Trước đó, Israel đã cảnh báo Mỹ, đồng minh thân cận nhất của mình, rằng "hành động quân sự" rất có thể sẽ là cách duy nhất để giải quyết vấn đề căng thẳng ngày càng gia tăng giữa nước này với Hezbollah.
Tháng trước, Israel đã tấn công Lebanon nhằm ngăn chặn kế hoạch của Hezbollah tiến hành một cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới chung giữa hai nước. Các cuộc tấn công xảy ra vài tuần sau vụ ám sát chỉ huy cấp cao của Hezbollah Fouad Shukur.
Nhiều tháng qua, các nhà ngoại giao quốc tế, đặc biệt từ Mỹ và Pháp, đã nỗ lực hoạt động để hạ nhiệt xung đột giữa Hezbollah và Israel nhằm ngăn chặn xung đột lớn hơn ở dải Gaza.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Tin mới
Tổng thống Burundi tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, chiều 4-4, Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Burundi đã tới thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam (thuộc 2 phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan
Sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc gặp làm việc với Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Armenia, sáng 4-4 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Yerevan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga đã thăm Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Yerevan - niềm tự hào không chỉ của Armenia mà còn của cả khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường hội đàm với Tổng thống Burundi Évariste Ndayishimiye
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Burundi Évariste Ndayishimiye và phu nhân thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3 đến 6-4. Sáng 4-4, sau lễ đón chính thức được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã hội đàm với Tổng thống Évariste Ndayishimiye.
Nhà Vua và Hoàng hậu Bỉ kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam
Trưa 4-4, Nhà Vua Philippe và Hoàng hậu Mathilde của Vương quốc Bỉ rời Thành phố Hồ Chí Minh, kết thúc tốt đẹp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 31-3 đến ngày 4-4, theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường và Phu nhân.
Đề nghị kỷ luật nguyên Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Trong các ngày 31-3 và 3-4, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 55. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc chủ trì kỳ họp.