Xuất khẩu 33 tấn sầu riêng qua cửa khẩu Kim Thành
Trong 02 ngày (11/12 - 12/10), hai chuyến xe chở 33 tấn quả sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch lần đầu tiên sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành sau một thời gian dài bị gián đoạn do dịch COVID-19.
Cụ thể, để sầu riêng xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, phía bạn yêu cầu phải đảm bảo quy trình nghiêm ngặt, như mã vùng trồng, quy trình phòng, chống dịch COVID-19. Trước khi thông quan, quả sầu riêng được cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai kiểm tra nguồn gốc truy xuất, mã vùng trồng, tiến hành phun khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đã tạo điều kiện trong việc giải quyết thủ tục xuất - nhập khẩu, đảm bảo thông quan nhanh nhất.
Ảnh minh họa, nguồn internet.
Ông Phạm Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Cửa khẩu Lào Cai cho biết, đơn vị đã trao đổi với phía Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) bố trí công nhân bốc xếp, phương tiện sang tải để lô hàng quả sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc được thuận lợi và nhanh nhất. Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là tin vui đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Thời gian qua, lực lượng chức năng tại cửa khẩu của Lào Cai (Việt Nam) và Hà Khẩu (Trung Quốc) đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh năng lực thông quan hàng nông sản của Việt Nam. Dự kiến thời gian tới, khi chính sách phòng, chống dịch COVID-19 của Trung Quốc được nới lỏng, một số loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, như thanh long, chuối, sầu riêng sẽ thông quan thuận lợi hơn qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành.
Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt 51 mã số vùng trồng, 25 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo quy định của Nghị định thư do Trung Quốc và Việt Nam ký kết, trước khi bắt đầu giao thương, phía Trung Quốc sẽ tiến hành rà soát việc tuân thủ Nghị định thư đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Sau khi xem xét, đánh giá, phía Trung Quốc cho rằng các vườn sầu riêng và nhà máy đóng gói của Việt Nam về cơ bản có thể tiến hành trồng, sản xuất, chế biến theo đúng yêu cầu của Nghị định thư, công tác kiểm dịch, giám sát đã được thực hiện tốt. Hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19 của các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, về cơ bản có thể đảm bảo rằng sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu vệ sinh nhập khẩu và an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Đồng thời, phía Trung Quốc cũng cảnh báo một số vấn đề cần khắc phục như: Một số vườn trồng còn lẫn các loại cây khác ngoài sầu riêng như ngô, cà phê, ổi... mà chưa có biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm chéo và lây lan của sâu bệnh giữa các loài khác nhau; một số vườn cây ăn quả chưa thực hiện theo dõi dịch hại, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của quy trình; trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói còn có sự chênh lệch và một số nhà xưởng cần cải tạo để đảm bảo vệ sinh môi trường tổng thể. Về các biện pháp phòng chống COVID-19, một số nhà máy và vườn cây ăn quả chưa có phương tiện rửa tay, chỉ khử trùng.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2021, nước này đã nhập hơn 822.000 tấn sầu riêng với tổng kim ngạch lên tới 4,2 tỷ USD, tăng gấp 8 lần chỉ trong vòng 5 năm, so với mức 550 triệu USD của năm 2017. 6 tháng đầu năm 2022, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh 60%.
Theo số liệu trong nước, từ trước năm 2019, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, hàng năm 70% sản lượng sầu riêng của Việt Nam được xuất sang thị trường khổng lồ này. Sau 04 năm vắng bóng, sầu riêng Việt đang đứng trước cơ hội quay trở lại thị trường Trung Quốc một cách đầy ngoạn mục dựa trên kinh nghiệm thành công của thanh long tại quốc gia này.
Hoàng Thăng (t/h)
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.