Còn nhiều vướng mắc khi áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
Theo phản ảnh từ đa phần các địa phương, trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn do từ vướng mắc, bất cập của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn.
Cụ thể: Tại Luật xử lý vi phạm hành chính đề cập đến một số khái niệm, thuật ngữ như “Vi phạm hành chính nghiêm trọng”; “ Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc hàng hóa lớn”; “ hoạt động gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng”; “Lỗi cố ý”; “Lỗi vô ý”; “có nhiều tình tiết phức tạp”, “giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm”; “hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm”, ... nhưng mới chỉ là qui định về hình thức, mang tính định tính, hiện chưa có hướng dẫn, giải thích, định lượng rõ ràng nên không thể viện dẫn các qui định này để xác định qui mô, tính chất vi phạm, điều đó khó khăn cho công tác xử phạt vi phạm hành chính, cần có giải thích, hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng.
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 qui định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, qui định về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo cho việc tra cứu, áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, vi phạm nhiều lần, tái phạm... trong xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên đến nay đã hơn hơn 10 năm kể từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực và cũng đã được sửa đổi bổ sung tại Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 nhưng Cơ sở dữ liệu này vẫn chưa có.
Điều 58 Khoản 5 sửa đổi bổ sung tại Khoản 29 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14: “Trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản”. Thực tế thời hạn quy định này là quá ngắn đối những vụ việc phức tạp, tang vật đa dạng chủng loại, số lượng lớn cần thời gian thống kê, kiểm định, địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc trùng với ngày nghỉ lễ, tết, thứ Bảy, Chủ nhật... rất khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật. Cần sửa đổi, bổ sung theo hướng kéo dài thời hạn chuyển giao.
Khoản 3 Điều 60 sửa đổi tại Luật số 67/2020/QH14 quy định: Thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 48 giờ kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ là ngắn chưa phù hợp với thực tế, do phải thực hiện nhiều khâu như xác minh, phân loại, khảo sát, thành lập Hội đồng định giá…, nhất là những vụ vi phạm mà tang vật có số lượng lớn, nhiều chủng loại thì quy định hiện hành là không đủ thời gian để định giá. Cần tăng thời gian tạm giữ để xác định giá trị hàng hóa tạm giữ.
Đối với tang vật vi phạm là hàng cấm, hàng không phổ biến, không có giá trên thị trường, hàng hóa ngoài danh mục cho phép sử dụng tại Việt Nam như pháo nổ, ngà voi, dao kiếm, thuốc bảo vệ thực vật,… hiện không có hướng dẫn căn cứ, cơ sở xác định giá, khó khăn rất nhiều cho lực lượng thực thi pháp luật.
Điều 81 Khoản 1 quy định: “Khi tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản”. Quy định này trong thực tế áp dụng đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp trên như Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp tỉnh, … gặp nhiều khó khăn. Đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: Người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm phải lập biên bản tịch thu.
Điều 82 Khoản 1 Điểm c qui định: “Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hoá, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật”. Qui định này cũng đang là bất cập vì chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là những cơ quan nào nên việc chuyển giao, quản lý, xử lý tang vật là hàng cấm của các lực lượng thực thi pháp luật khó thực hiện được.
Điều 126 Khoản 1 đã được sửa đổi tại Luật số 67/2020/QH14, qui định “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước”. Với qui định này, cần giải thích về việc “nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước.” thay thế cho việc tịch thu các tang vật, phượng tiện bị tạm giữ là hình thức xử phạt hay biện pháp khắc phục hậu quả và có hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục cụ thể để áp dụng.
Điều 126 Khoản 4, qui định: “4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.
Sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 Khoản 65 Điểm b Luật số 67/2020/QH14, qui định “4. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 125 của Luật này khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:
a) Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”;
Tuy nhiên, các lực lượng chức năng vẫn kiến nghị cần phải có những giải thích, hướng dẫn hoặc bổ sung các căn cứ tiếp tục tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã hết thời hạn tạm giữ trong 01 tháng kể từ ngày thông báo thứ hai cho người vi phạm, vì qui định tại Điều 125 về căn cứ tạm giữ hiện không đề cập nội dung này, gây lúng túng cho quá trình áp dụng pháp luật.
Điểm b Khoản 4 Điều 126 được sửa đổi bổ sung tại Điểm b Khoản 65 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14, qui định “b) Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:.
Như vậy, theo quy định thì thời gian thông báo truy tìm và ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá dài (Hết thời hạn 01 năm kể từ ngày thông báo lần 2) ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị tang vật, phương tiện, tăng chi phí lưu kho, bến bãi, lãng phí tốn kém, tăng them phần khó khăn cho các lực lượng thực thi pháp luật. Kiến nghị cần sửa đổi theo hướng rút ngắn thời gian thông báo truy tìm và ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp này.
Qua những nội dung nêu trên, cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất định phải tháo gỡ kịp thời các nút thắt vướng mắc từ công tác xây dựng, giải thích, hướng dẫn pháp luật, đồng thời với nâng cao nhận thức pháp luật của chính các chủ thể thực thi, phải hiểu đúng thì việc áp dụng pháp luật mới thống nhất và hiệu quả.
Trịnh Thị Hà
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.