Đắm mình với nghệ thuật cải lương
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kiên Giang, với niềm đam mê cháy bỏng và tinh thần nỗ lực tập luyện, Đại úy QNCN Lê Thị Ngọc Quyền, công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 9 đã ghi dấu ấn trong lòng cán bộ, chiến sĩ và khán giả về một giọng ca cải lương ngọt ngào, tinh tế và vô cùng sâu lắng...
Đến với Đoàn Văn công Quân khu 9, người xem được thưởng thức “đặc sản” nghệ thuật cải lương. Đây cũng là đơn vị nghệ thuật duy nhất của văn công toàn quân có đội sân khấu cải lương. Đại úy QNCN Lê Thị Ngọc Quyền gia nhập đoàn từ khi mới 16 tuổi. Đến nay, sau hơn 14 năm gắn bó, Ngọc Quyền là nghệ sĩ chính trong những vở diễn cải lương của đoàn. Chị chia sẻ: “Mỗi khi tham gia những chuyến biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, tôi rất xúc động khi thấy khán giả đến xem đông. Mỗi lần như vậy, tôi càng cảm thấy yêu nghề và cố gắng hơn nữa để mang đến những tiết mục hay, mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ”.
Nói về những người có ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình, Ngọc Quyền vẫn luôn nhắc đến ông Võ Thanh Phong, một trong những giọng ca cải lương nức tiếng vùng đất Kiên Giang một thời. Tình cờ một lần nghe Ngọc Quyền hát, ông Phong bị cuốn hút bởi giọng ca đầy nội lực và nhận thấy tính cách nghệ sĩ của cô bé mới 8 tuổi này.
Ông đã nhận làm con nuôi và dạy Quyền hát bằng tất cả tâm huyết của mình. Năm 2008, ông Phong đưa Ngọc Quyền tham gia giải “Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền”. Dù chỉ đạt giải khuyến khích nhưng may mắn đã mỉm cười với cô bởi sau cuộc thi, Thượng tá Nguyễn Thành Bính (nguyên Trưởng đoàn Văn công Quân khu 9 thời điểm đó) đã mời cô về đoàn. Đây chính là bước ngoặt quan trọng đưa Ngọc Quyền đến với sân khấu cải lương chuyên nghiệp.
Lê Thị Ngọc Quyền trong tiết mục song tấu “Khói lửa đạn bom”. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đối với người diễn viên cải lương, khi nội dung bài hát đã thấm thì các kỹ thuật gieo câu, nhả chữ, ngừng lặng, luyến láy đều là kết quả từ tình cảm chân thành của người hát. Có như vậy, khi biểu diễn, người hát mới lột tả được cái hồn của tác phẩm và thuyết phục được người nghe. Chính vì thế mà Ngọc Quyền luôn ý thức được ca hát không còn là đam mê của riêng mình mà còn là trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với khán giả.
Cải lương còn là loại hình sân khấu ca kịch nên người diễn viên cải lương phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa biểu diễn và ca hát. “Điệp khúc” luyện thanh, tập diễn, tập hát đều đặn 5 giờ mỗi ngày nhưng không làm Quyền nản chí bởi cô biết, với nghệ thuật cải lương phải có sự kiên trì, niềm say mê và sự khổ luyện mới đạt được thành công.
Năm 2014, khi tham gia Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, Đoàn Văn công Quân khu 9 quyết tâm để lại dấu ấn với Ban giám khảo cũng như khán giả với tiết mục ca múa nhạc “Cửu Long xanh” và vở cải lương “Sáng mãi niềm tin”. Cả hai tiết mục tham gia đều được đoàn chuẩn bị kỹ càng, song vở cải lương “Sáng mãi niềm tin” được Đoàn Văn công coi như con át chủ bài, được chuẩn bị công phu từ khâu kịch bản, đạo diễn, tổ chức luyện tập và đây cũng là lần đầu tiên tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân có sự xuất hiện của một vở cải lương.
Điều này cũng phần nào tạo áp lực nặng nề đối với Ngọc Quyền. 22 tuổi, Ngọc Quyền đảm nhiệm vai chính Nguyễn Thị Minh Khai. Dù chưa có con và cũng chưa lập gia đình, nhưng bằng lời ca, diễn xuất chuyên nghiệp với trái tim đầy rung động, Ngọc Quyền đã thể hiện được những cảm xúc tinh tế, gây xúc động đối với người xem qua những phân cảnh chia tay con thơ của Nguyễn Thị Minh Khai để đến với cách mạng. Kết thúc vở diễn, chị và toàn bộ diễn viên trong đoàn đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt của khán giả. Huy chương vàng là thành quả xứng đáng mà Ngọc Quyền giành được sau những nỗ lực không ngừng với vai diễn để đời này.
Đến nay, 32 tuổi đời, 14 năm theo đuổi con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, “gia tài” của Ngọc Quyền khá đồ sộ với 9 huy chương vàng, 3 huy chương bạc. Tiêu biểu như: Huy chương Vàng tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quân năm 2008, Huy chương Vàng Giải triển vọng Trần Hữu Trang năm 2012, Huy chương Vàng Giải triển vọng Trần Hữu Trang và Huy chương Bạc Giải tài năng trẻ sân khấu cải lương toàn quốc năm 2014, Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018 với tiết mục Hòa tấu dàn nhạc “Âm vang miền Tây”-Solo trống dân tộc; Huy chương Vàng tại Liên hoan Nghệ thuật 5 nước (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan-tháng 7-2016), với tiết mục Hòa tấu dàn nhạc “Sắc màu Cửu Long”-Solo trống dân tộc, Huy chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 với vai Út Ân trong vở cải lương “Phù sa đỏ” của tác giả Nguyễn Thành Bính...
Gặt hái nhiều thành công nhưng Đại úy QNCN Lê Thị Ngọc Quyền chưa bao giờ xao nhãng tập luyện cùng đồng nghiệp và học hỏi các cô chú, anh chị đi trước. Ngọc Quyền cho rằng, trong cuộc sống cũng như trong công việc, phải biết chấp nhận thử thách để thực hiện ước mơ của mình. Và ước mơ của Ngọc Quyền là tiếp tục được thử sức mình trong những vai diễn mới. “Vì vậy tôi mong muốn mình sẽ gặp được người bạn đời luôn thấu hiểu, đồng cảm để tôi được sống với đam mê cháy bỏng của mình”, Đại úy QNCN Lê Thị Ngọc Quyền bộc bạch khi được hỏi về chuyện riêng tư.
Chia tay ra về, nhìn nụ cười, ánh mắt của chị khi nói về nghề, chúng tôi thầm chúc cho ước mơ của chị sẽ trở thành hiện thực để khán giả luôn được thưởng thức những vở diễn cải lương đậm đà bản sắc quê hương miền Tây.
TUỆ CHI
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.