• Click để copy

Dấu hiệu căng thẳng mới trong quan hệ Nga - NATO

Ngày 29-5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành đạo luật về việc Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Đây là hiệp ước mới nhất bị hủy bỏ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Phát biểu với truyền thông sau khi thông tin trên được công bố, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc Nga rút khỏi Hiệp ước CFE là do cơ chế này đã lỗi thời từ lâu và Moscow chỉ đơn giản là “đưa nó về đúng với diễn biến trên thực tế”, Sputnik dẫn lời ông Peskov. Cũng theo ông Peskov, trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, ổn định chiến lược, hiện có một khoảng trống lớn cần khẩn trương được lấp đầy bằng những hành động mới dựa trên thiện chí của các bên.  

Xe bọc thép là một trong các loại phương tiện chiến đấu mà các nước thành viên NATO tích cực mua sắm (ảnh minh họa). Ảnh: Shutterstock 

Xe bọc thép là một trong các loại phương tiện chiến đấu mà các nước thành viên NATO tích cực mua sắm (ảnh minh họa). Ảnh: Shutterstock 

Trước đó, Tổng thống Putin đã trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga một dự luật bác bỏ Hiệp ước CFE, trong đó nêu rõ kể từ đầu thập niên 1990, hiệp ước “chịu ảnh hưởng của những thay đổi chính trị-quân sự quy mô lớn, chủ yếu liên quan đến việc mở rộng NATO, phần lớn đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp”. Dự luật được Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga lần lượt thông qua. Lý giải về sự việc, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Leonid Slutsky cho rằng Hiệp ước CFE “đã đi vào lịch sử”, đồng thời nhấn mạnh, “các nước phương Tây đã chà đạp lên hiệp ước vốn mang đến cơ hội tuyệt vời để phát triển an ninh toàn diện ở châu Âu”.

Hiệp ước CFE được ký kết tại Paris tháng 11-1990 giữa đại diện của 16 quốc gia thành viên NATO (gồm Bỉ, Anh, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Iceland, Tây Ban Nha, Italy, Canada, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp) với 6 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Warszawa (khối Warszawa, gồm Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania, Liên Xô và Tiệp Khắc). Hiệp ước được ký kết với kỳ vọng giúp hạn chế hơn nữa căng thẳng giữa NATO và khối Warszawa, trong bối cảnh quan hệ Moscow-Washington có dấu hiệu ấm lên dưới thời nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Nội dung của Hiệp ước CFE là đặt ra cho các bên giới hạn định lượng đối với 5 loại trang bị vũ khí thông thường (xe tăng, xe bọc thép, pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công). Cụ thể, Hiệp ước CFE cho phép thành viên khối NATO và khối Warszawa duy trì số lượng ngang nhau các hệ thống vũ khí thông thường trong một khu vực địa lý trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương ở phía Tây đến dãy núi Ural ở phía Đông. Mỗi khối được phép sở hữu tối đa 40.000 xe tăng, 60.000 xe bọc thép, 40.000 khẩu pháo, 13.600 máy bay chiến đấu và 4.000 trực thăng tấn công... 

Vào thời điểm Hiệp ước CFE bắt đầu có hiệu lực (sau hai năm kể từ ngày ký), Liên Xô và khối Warszawa đã tan rã. Tuy nhiên, Nga và 7 nước cộng hòa thuộc Liên Xô bao gồm Belarus, Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, Moldova vẫn tiếp tục kế thừa và phê chuẩn Hiệp ước CFE.

Với sự tan rã của khối Warszawa và việc các thành viên tham gia Hiệp ước CFE bán tháo, loại bỏ hàng nghìn thiết bị quân sự trong suốt thập niên 1990 và thập niên 2000, những hạn chế về số lượng trang bị vũ khí đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa các bên.

Năm 2007, Moscow từng đình chỉ việc thực hiện Hiệp ước CFE do NATO không phê chuẩn bản sửa đổi năm 1999 của hiệp ước, mà theo Tổng thống Putin, thay vì tiếp tục cắt giảm vũ khí, NATO lại quyết định tăng cường trang bị vũ khí mới ở châu Âu. Năm 2015, Nga tuyên bố ngừng tham gia Hiệp ước CFE vô thời hạn sau khi cáo buộc NATO bỏ qua các điều khoản của hiệp ước bằng việc tiếp tục mở rộng khối này. Moscow kêu gọi các bên ngồi vào đàm phán, song thiện chí đó không được đáp lại.

Việc Tổng thống Nga ký sắc lệnh hủy bỏ Hiệp ước CFE là một dấu hiệu leo thang căng thẳng trong mối quan hệ Nga-NATO, vốn dĩ đã nóng bỏng suốt thời gian qua, mà gốc rễ sâu xa có thể nói là xuất phát từ sự thiếu thiện chí của các nước thành viên NATO. Hồi đầu năm nay, Moscow đã đình chỉ tham gia Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START)-vốn được coi là hiệp ước vũ khí chiến lược lớn cuối cùng giữa các siêu cường hạt nhân-sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019 và Hiệp ước Bầu trời mở (OST) năm 2020. Thế giới đang "nín thở" chờ những hệ lụy mà sự bất đồng sâu sắc ngày càng gia tăng trong quan hệ Nga-NATO có thể đem lại trên phạm vi toàn cầu.

HÀ PHƯƠNG

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.