Điện Biên Phủ - Dấu mốc cho sự lụi tàn của thực dân Pháp ở Đông Dương
“Nhỏ mà có võ”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu bằng các chiến thuật mới, nghệ thuật quân sự tài tình, và phát huy sức mạnh nhân dân.
Trong bài viết có tiêu đề “Khi đế quốc Pháp ở Đông Dương lụi tàn” đăng trên trang The Wire, sử gia quân sự Rabindra Hazari nhấn mạnh, chính sự khéo léo của người Việt trong việc tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng và từ bỏ các học thuyết quân sự thông thường đã mở đường cho chiến thắng lịch sử trước thực dân Pháp.
Đi tìm lời giải cho bí ẩn Điện Biên Phủ
Để có cái nhìn sâu sắc hơn Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, sử gia người Ấn Độ Rabindra Hazari từng đến Điện Biên Phủ, thăm một số bảo tàng quân sự ở Việt Nam.
Trong bài viết của mình, tác giả đã đặt câu hỏi Làm thế nào mà Quân đội nhân dân Việt Nam do Võ Nguyên Giáp, một người không được huấn luyện quân sự chính quy, lại đánh bại được lực lượng viễn chinh Pháp được trang bị tốt hơn rất nhiều? Và ông đã đưa ra nhiều bằng chứng để giải đáp cho câu hỏi đó.
Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Năm 1954, Pháp có tới 445.000 binh sĩ ở Việt Nam, gấp đôi số quân 252.000 người của quân đội chính quy của Việt Nam. Cùng với các công sự kiên cố, lực lượng Pháp ở Việt Nam còn được tăng cường thêm lính dù tinh nhuệ, thiết giáp và bộ binh cơ giới từ Pháp và các thuộc địa. Ngoài ra, Pháp cũng có sự hỗ trợ đến từ đội quân lê dương tinh nhuệ bao gồm cả các cựu chiến binh SS của Đức.
Để đối phó với một lực lượng lớn mạnh như vậy, quân đội Việt Nam đã huy động lực lượng dân quân địa phương gồm 2 triệu dân thường, tiến hành chiến tranh du kích, buộc quân Pháp phải phân tán, đóng tại các cứ điểm, đồn, bốt. Đối với Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, điều cần thiết là phải phân tán quân Pháp theo các hướng khác nhau, khiến chúng không thể giành thế áp đảo vào một khu vực nhất định nào đó.
Tháng 11-1953, Pháp thả đội lính dù tinh nhuệ xuống Điện Biên Phủ, thiết lập căn cứ không quân gồm 2 sân bay và hàng loạt cứ điểm kiên cố mang tên Anne-Marie, Beatrice, Dominique, Eliane, Francoise, Gabrielle, Huguette và Isabelle. Hỏa khí đầy uy lực của Pháp được đặt trong các ụ súng lộ thiên, có thể xoay 360 độ để tấn công từ mọi hướng. Người Pháp hy vọng có thể kéo Việt Minh vào một trận chiến quyết định hòng đè bẹp quân đội Việt Nam.
21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. Ảnh: TTXVN |
Trên thực tế, cơ hội để quân đội Việt Nam lật ngược tình thế đã đến. Nhà sử học Rabindra Hazari lý giải vì sao quân Pháp thất thế trong trận quyết chiến chiến lược này: Thứ nhất, đường vào Hà Nội bị cắt đứt; lực lượng đồn trú của Pháp giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hậu cần qua cầu đường không. Thứ hai, quân đồn trú của Pháp không còn đường rút lui. Việt Minh đã kiểm soát những khu vực quanh Lai Châu, cửa ngõ chính sang Lào. Thứ ba, Việt Minh đã thực hiện công tác địch vận để lôi kéo về phía mình hơn 25% lực lượng đồn trú của Pháp ở Điện Biên Phủ là người dân tộc Thái.
Theo sử gia Ấn Độ, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sự ủng hộ của người dân chính là sức mạnh lớn nhất của Việt Nam. Lớp lớp sinh viên, công nhân, nông dân, phụ nữ, người dân các dân tộc thiểu số đã tham gia khuân vác, chở lương thực chi viện cho chiến trường. Phương tiện vận chuyển chính chỉ là xe đạp thồ. Cũng trong chiến dịch này, nhiều con đường mới đã được đào bằng tay để vận chuyển pháo hạng nặng vào trận địa.
Tác chiến táo bạo, linh hoạt
Sử gia Rabindra Hazari đặc biệt nhấn mạnh quyết định táo bạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đột ngột hủy bỏ phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” và chuyển sang phương châm tác chiến mới “Đánh chắc, tiến chắc” để giảm thương vong và đảm bảo thành công.
17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Rabindra Hazari viết: “Tướng Giáp đã mạnh dạn ứng biến bằng cách bố trí pháo hạng nặng trong tầm bắn của những họng pháo mạnh hơn của Pháp. Học thuyết pháo binh thông thường về hỏa lực cầu vồng đã bị loại bỏ. Thay vào đó, các pháo thủ của Tướng Giáp sẽ bắn thẳng với tầm nhìn rộng và mỗi khẩu đội pháo tự xác định tọa độ bắn của riêng mình”.
Cùng với việc bố trí pháo vào chiếm lĩnh trận địa, Việt Minh còn xây dựng một mạng lưới đường hầm, chiến hào xuyên lòng đất, kho đạn và trận địa cho pháo thủ được ngụy trang khéo léo đến mức khó có thể bị phát hiện. Các chiến hào của Việt Minh bao quanh toàn bộ các cứ điểm của quân Pháp, xuyên qua sân bay. Dọc theo các chiến hào đó, quân đội Việt Nam có thể dễ dàng tấn công các công sự kiên cố của Pháp.
Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN |
Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 13-3 đến 7-5-1954 cũng được sử gia người Ấn Độ thuật lại ngắn gọn. Chiến dịch bắt đầu bằng việc quân đội Việt Nam nổ súng đập tan “pháo đài bất khả xâm phạm” Beatrice (cứ điểm Him Lam) chỉ trong vòng 6 giờ đồng hồ. Ngày tiếp theo, quân đội Việt Nam đã tiêu diệt cứ điểm Gabrielle (đồi Độc Lập) một cách nhanh chóng, chỉ trong khoảng 3 tiếng rưỡi. Tiếp đó là Anne-Marie (Bản Kéo) bị đánh chiếm mà không phải tốn một viên đạn nào khi toàn bộ lính Thái ra hàng. Đại tá pháo binh Pháp quá chán nản vì thất bại trong cuộc chiến chống pháo binh Việt Minh nên đã tự sát. Huguette (các cứ điểm phía Tây) thất thủ buộc những tốp lính lê dương với trận địa phòng ngự vững chãi nhất cũng phải đầu hàng. Các cứ điểm phía Đông cũng gục ngã sau các cuộc giao tranh gay gắt.
Pháo binh Việt Minh cũng đã làm tê liệt sân bay Mường Thanh, chặn đường tiếp tế của Pháp. Việc Việt Minh đào hào đã cắt đứt sợi dây liên lạc, liên kết giữa các cứ điểm của quân Pháp, khiến chúng không thể tăng cường lực lượng. Binh lực và hàng tiếp viện cho Pháp buộc phải dừng lại; hàng nghìn thương binh không thể sơ tán. Các đội phẫu thuật dù, lính dù và vật tư tiếp tục được thả xuống nhưng Việt Minh đã thu giữ hơn 30% số hàng. Nhà sử học Ấn Độ nhận xét: “Chiến thuật của Tướng Giáp đã thành công trong việc thắt chặt vòng vây quanh khu vực đồn trú của Pháp”.
Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Thế trận giằng co, các cuộc giao tranh ác liệt tại cứ điểm Eliane 2 (Đồi A1) đã kết thúc bằng việc Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng De Castries và Bộ tham mưu phải ra đầu hàng. Cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở Isabelle (cứ điểm Hồng Cúm) cũng đầu hàng ngay sau đó. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với chiến thắng lịch sử cho quân và dân Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho sự hiện diện của thực dân Pháp ở Đông Dương.
MAI HƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.