Không để xe ghép ngoài vòng quản lý - Bài 1: Nở rộ dịch vụ xe ghép
LTS: Những năm gần đây, loại hình xe ghép (còn gọi là xe tiện chuyến-xe ô tô cá nhân không đăng ký kinh doanh vận tải hành khách nhưng lại gom, chở khách để thu tiền) phát triển mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước. Điều đáng nói là mặc dù số lượng xe ghép ngày càng lớn nhưng tất cả lại đang hoạt động “chui”, không chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng. Dư luận cho rằng, không thể cấm xe ghép nhưng cần sớm có biện pháp quản lý phù hợp để lành mạnh hóa thị trường vận tải và bảo vệ quyền lợi của hành khách.
Đón tận nhà, đưa đến tận nơi, hoạt động liên tục từ sáng sớm cho đến tối, luôn sẵn sàng phục vụ khách khi có nhu cầu với giá cước rẻ hơn nhiều so với taxi... là những ưu điểm nổi bật của loại hình xe ghép. Vì thế, dịch vụ xe ghép đã và đang nở rộ ở hầu khắp các địa phương trên cả nước, thu hút ngày càng nhiều hành khách, từ cán bộ, công chức đến sinh viên, người lao động...
Xe ghép - gọi là có
Mới 4 giờ 30 phút một ngày đầu tuần, anh NVT, 27 tuổi, một lái xe ghép ở phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã thức giấc. Vội vàng đánh răng, rửa mặt rồi không kịp chào vợ con, cũng không kịp ăn sáng, anh T lên chiếc xe ô tô Vios - “cần câu cơm” đã gắn bó với anh hơn 3 năm, để đi đón khách. Đúng 5 giờ, trời còn chưa sáng rõ, theo lịch hẹn trước, anh có mặt tại một con ngõ trên phố Tôn Đức Thắng, phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên để đón vị khách đầu tiên. Khách vừa lên xe, chiếc ô tô lại rồ ga, lao vun vút, ánh đèn pha loang loáng trên đường... “Em còn phải đón 3 khách nữa. Hôm nay đầu tuần khách đông hơn thường lệ, cũng phấn khởi”, anh T bày tỏ. Vừa lái xe theo chỉ dẫn của “google map”, anh T vừa gọi điện thoại đôn đốc khách: “Anh chuẩn bị, xe sắp đến”. 5 giờ 35 phút, T đã hoàn thành việc đón thêm 3 khách tại xã Tam Hợp và xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) rồi điều khiển xe chuyển hướng về Hà Nội...
Một chiếc xe ghép đón khách tại nhà. Ảnh: TRUNG HIẾU |
Phải dậy sớm vất vả nhưng bù lại, chuyến chở khách đi Hà Nội sáng sớm hôm ấy của anh T “đầy xe” vì có đủ 4 khách, với giá “vé” 200.000 đồng/người thì tổng thu là 800.000 đồng. “Trả khách xong, em sẽ đi ăn sáng, nghỉ ngơi một chút rồi 9 giờ đón khách tại Bệnh viện Quân y 103 về Vĩnh Yên. Khách “bao” cả xe với giá 450.000 đồng nên em không phải chờ đợi đón thêm người, quay về vẫn kịp chạy 1-2 lượt Hà Nội-Vĩnh Yên nữa. Mấy năm gần đây nhu cầu đi xe ghép của khách khá lớn, trung bình mỗi tháng trừ chi phí em thu nhập được khoảng 15-20 triệu đồng”, anh T cho biết.
Theo chia sẻ của T, nhóm xe ghép của anh hiện có gần 200 thành viên, chủ yếu chạy tuyến Vĩnh Yên-Hà Nội. Với gần 200 đầu xe, từ sáng sớm đến 20-21 giờ hằng ngày, khách “cứ gọi là có” mà hầu như không phải chờ lâu. Khảo sát thực tế, chúng tôi được biết, ở Vĩnh Yên hiện nay, ngoài nhóm xe ghép của anh T, còn có nhiều nhóm khác với số lượng ít thì hàng chục, đông thì hàng trăm thành viên. Xe ghép cũng không chỉ hoạt động ở Vĩnh Yên mà còn hoạt động ở nhiều huyện, thành phố khác của tỉnh Vĩnh Phúc như: Yên Lạc, Tam Đảo, Tam Dương, Sông Lô...
Hoạt động của nhiều nhóm xe ghép khá quy củ, chặt chẽ, thậm chí có nhóm được tổ chức gần như một hãng taxi. Theo đó, các thành viên được quản lý bởi một nhóm Zalo chung, có số “tổng đài” để khách liên hệ, mọi thông tin về nhu cầu đi lại của khách cũng như việc xác định lái xe đón khách đều được thể hiện trên nhóm Zalo này. Lái xe khi có khách hẹn nhưng không thể đón thì có thể “bắn” (chuyển) khách cho thành viên khác thông qua nhóm Zalo và sẽ được cộng “điểm”. Ngược lại, lái xe khi nhận khách từ lái xe khác sẽ bị trừ (nợ) “điểm”. Cuối tháng, “điểm” sẽ được quy thành tiền. Nếu lái xe bỏ khách, đón trả không đúng hẹn... khiến khách phản ánh thì sẽ bị phạt tiền, để khách phản ánh nhiều lần hoặc nếu thành viên vi phạm nghiêm trọng nội quy hoạt động sẽ bị buộc phải rời khỏi nhóm. Để duy trì hoạt động, hằng tháng các thành viên phải nộp một khoản tiền nhất định gọi là phí “quản lý”...
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, không riêng ở Vĩnh Phúc mà tại hầu hết các địa phương trên cả nước đều nở rộ các hội, nhóm xe ghép cung cấp dịch vụ vận tải hành khách kiêm luôn cả dịch vụ “ship” hàng. Các hội, nhóm này tổ chức quảng cáo tràn lan, nhất là trên mạng xã hội như Facebook, Zalo để tiếp cận, thu hút khách. Đơn cử tại TP Việt Trì (Phú Thọ), chỉ mất chưa đầy một phút lên Facebook, chúng tôi đã tìm thấy hàng chục trang, như: “Xe ghép Việt Trì”, “Xe ghép Hà Nội Việt Trì”... quảng cáo dịch vụ xe ghép chuyên tuyến Việt Trì-Hà Nội. Theo đó, các nhóm này đều có các loại xe ghép từ 4 đến 7 chỗ, chạy liên tục từ 4 giờ 30 phút đến 22 giờ hằng ngày, nhận chở người, “ship” hàng hai chiều Việt Trì-Hà Nội... Liên hệ với số “tổng đài” 0823861xxx trên trang Facebook “Xe ghép Hà Nội Việt Trì”, chúng tôi được “nhà xe” cho biết, nhóm xe ghép này có hơn 200 đầu xe, sẵn sàng chở khách hai chiều tuyến Việt Trì-Hà Nội với giá 200.000 đồng/người hoặc khách có thể chọn hình thức “bao xe”. Khi có nhu cầu, khách chỉ cần gọi điện trước nửa tiếng là có xe đón tận nhà, đưa đến tận nơi...
“Đánh trúng” nhu cầu, tâm lý hành khách
“Vì sao lại chọn xe ghép?”, chúng tôi đặt câu hỏi với một số người thường xuyên sử dụng loại xe này thì nhận được câu trả lời chung là do xe ghép khá thuận tiện, đồng thời giá cả cũng rất phải chăng.
Chị NTH ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên, làm việc tại một doanh nghiệp tại Hà Nội. Trước đây, để xuống nơi làm việc, chị thường đi xe buýt số 01 của tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó tiếp tục đi xe buýt số 07 của TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều thời điểm xe buýt tạm dừng hoạt động hoặc hạn chế số chuyến, hạn chế số lượng hành khách để phòng dịch, khiến chị gặp khó khăn trong đi lại. Đang lúc chưa biết chọn phương tiện gì phù hợp thì chị được một người bạn giới thiệu dịch vụ xe ghép. Lúc đầu chị H chỉ nghĩ tìm đến xe ghép như một giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, chị quyết định gắn bó với loại xe này cho đến nay. “Đi xe ghép khá tiện, đưa đón tận nơi, không phải chờ đợi, chen chúc, giá cả cũng ở mức chấp nhận được nên tôi quyết định đi lâu dài. Đã gần 2 năm gắn bó với xe ghép, tôi thấy hành khách ngày càng đông, không chỉ sinh viên, người lao động, người đi khám bệnh... mà nhiều cán bộ, công chức cũng đi xe này”, chị H chia sẻ.
Hình ảnh một số trang Facebook quảng cáo dịch vụ xe ghép. Ảnh: PHƯƠNG HIỀN |
Cũng như chị NTH, anh NDB ở phường Tân Dân, TP Việt Trì (Phú Thọ), sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Ngoại thương, cũng quyết định đi xe ghép lâu dài sau một vài lần đi thử. Anh NDB cho biết: “Thời gian mới nhập học, mỗi lần từ quê xuống nhà trọ tôi đi xe khách với giá vé 80.000 đồng, sau đó phải tiếp tục đi “xe ôm” mất gần 100.000 đồng, tổng chi phí khoảng 180.000 đồng. Vô tình thấy một trang Facebook quảng cáo dịch vụ xe ghép Việt Trì-Hà Nội, tôi quyết định đi thử thì thấy khá hợp lý, chỉ mất 200.000 đồng mà được đưa đón tận nơi, không vất vả như đi xe khách”.
Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, sở dĩ những năm gần đây xe ghép được nhiều người ưa chuộng, lựa chọn là do đã “đánh trúng” nhu cầu, tâm lý của khách hàng, đó là mong muốn được phục vụ chu đáo, dịch vụ thân thiện, đưa đón tận nơi, không phải vất vả chờ đợi ngoài đường như khi sử dụng dịch vụ xe buýt, xe khách... Mặt khác, chi phí khi đi xe ghép thấp hơn nhiều so với taxi, cũng không cao so với đi xe khách nếu tính tổng số tiền khách phải bỏ ra cũng như chi phí thời gian chờ đợi...
(còn nữa)
PHƯƠNG HIỀN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.