Lan tỏa giá trị và vẻ đẹp của chèo
Trang YouTube “Thùy Linh Chèo” được gần 60.000 người theo dõi, cùng các trang khác như: “Lương Thùy Linh Channel”, Facebook và TikTok “NSƯT Lương Thùy Linh” với các bài hát, MV, trích đoạn chèo được Trung tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lương Thùy Linh (Nhà hát Chèo Quân đội) giới thiệu đang góp sức lan tỏa giá trị đặc sắc của nghệ thuật chèo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Giọng hát chèo mượt mà, đằm thắm của NSƯT Lương Thùy Linh - nữ nghệ sĩ được ví là “hoa khôi làng chèo” không còn xa lạ với khán giả mê chèo. Soạn giả Mai Văn Lạng từng nhận xét, ai yêu mến giọng chèo của Thùy Linh không cần phải nhìn thấy nữ nghệ sĩ mà chỉ nghe giọng hát vang lên đã nhận ra ngay người hát rồi!
Sinh ra trong gia đình không ai làm nghệ thuật, nhưng Thùy Linh may mắn được sống trong không gian thấm đẫm nghệ thuật chèo của miền quê Thái Bình. Chèo ngấm vào Thùy Linh từ thuở bé và con đường đến với nghệ thuật chèo của chị cũng khá thuận lợi: Từ lúc 16 tuổi cho đến những bước đường lên Hà Nội học hát chèo, rồi đầu quân về Nhà hát Chèo Quân đội, gắn bó với chiếng chèo “nghệ sĩ-chiến sĩ” gần 20 năm qua.
“Chắc chắn tôi được tổ nghề đãi, chứng giám cho đam mê, tâm huyết với nghệ thuật chèo dân tộc nên con đường nghệ thuật của tôi cứ băng băng tiến lên. Đến nay, sau nhiều năm thủy chung, gắn bó với nghệ thuật chèo, tôi vẫn luôn trau dồi, học hỏi và nghiên cứu những làn điệu chèo để làm sao khi hát, hoặc sáng tác, hay hướng dẫn các bạn trẻ đều mong muốn góp sức nhỏ bé của mình phát triển nghệ thuật chèo”, NSƯT Lương Thùy Linh bộc bạch.
Nghệ sĩ Lương Thùy Linh luôn giữ lửa đam mê với nghệ thuật chèo dân tộc. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thành công với những vai nữ chính: Nguyên phi Ỷ Lan trong 3 tập chèo “Bài ca giữ nước”; nàng Sơn Nữ trong vở “Chuyện tình nàng sơn nữ”; Ngọc Lan trong vở “Chuyện người xưa”; Kiều Liên trong “Lời ước nguyền”; Hoài trong “Thương nhớ trầu cau”; Trần Thị Dung trong “Đời luận anh hùng”... Thùy Linh gắn với “thương hiệu” đào thương (hay còn gọi là đào chính-đào chín).
Trong câu chuyện, nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Ở Nhà hát, có thời gian tôi được cấp thêm 50.000 đồng tiền nước mắt, bởi đóng vai nào cũng khóc. Có vở đoàn đưa đi lưu diễn từ Bắc vào Nam 3 tháng, tối nào cũng diễn, mà hôm nào diễn là khóc. Nhiều người lâu không gặp, quan tâm hỏi: "Linh ơi, sao thấy em càng ngày càng buồn thế? Đôi mắt lúng liếng, khuôn mặt tươi vui đâu mất rồi?"... Hóa thân vào vai diễn, cảm xúc của các nhân vật cứ ngấm vào tôi suốt nhiều năm làm nghệ thuật”.
Từ năm 2021 đến nay, mặc dù mỗi năm Nhà hát Chèo Quân đội liên tục ra những vở diễn mới, tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng Thùy Linh xin lui về sau cánh gà sân khấu để dành vai diễn cho các diễn viên trẻ. Bên cạnh việc dàn dựng vở diễn, hướng dẫn diễn viên trẻ, Thùy Linh chăm chỉ làm các sản phẩm hát chèo để phát trên các nền tảng công nghệ với nhiều chủ đề, như hát về quê hương, cha mẹ, người lính...
Để thu hút mọi đối tượng khán giả, Thùy Linh vừa hát những bài chèo cổ, làn điệu cổ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả lớn tuổi, vừa hát những lời hát mới trên nền làn điệu cổ để góp phần cổ vũ, tiếp sức cho những người viết chèo mới. Có những người yêu chèo đang sinh sống ở nước ngoài viết lời gửi nhờ Thùy Linh hát, nữ nghệ sĩ sẵn sàng quay hình, làm MV, mời các nghệ sĩ tên tuổi trong làng chèo thể hiện và hát mà không lấy cát xê. Thùy Linh tâm niệm, bằng tiếng hát của mình sẽ lan tỏa sức sống, vẻ đẹp của chèo đến những người con xa xứ luôn hướng về quê hương, hướng về những giá trị đẹp của nghệ thuật chèo.
Giọng chèo đẹp Thùy Linh được các đàn anh đàn chị đi trước như Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoài, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Anh, Nghệ sĩ Nhân dân Quốc Trượng, Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Ngần... đánh giá cao bởi tài năng, phẩm chất và niềm đam mê, cống hiến cho nghệ thuật chèo. Bước vào tuổi 40, Thùy Linh đón nhận tin vui khi là một trong những nghệ sĩ được tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ sĩ Nhân dân.
HÀ VƯƠNG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.