Phải nhận thức rõ về vai trò, sứ mệnh của người thầy
Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam nói về giáo dục hiện nay, người làm quản lý giáo dục phải nhận thức rõ về vai trò, sứ mệnh của người thầy, người thầy là trung tâm thì mới tạo ra được những thế hệ học sinh ưu tú, chất lượng.
Hà Nội, nơi khởi nguồn cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”
- Thưa Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, phải chăng, chính vì sứ mệnh của người thầy mà cho đến giờ ông vẫn luôn đau đáu với nghề?
- Sự phát triển của giáo dục có sự đóng góp của toàn dân, nhưng người trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường là mỗi thầy, cô giáo. Nếu không nhận thức rõ sứ mệnh của người thầy, chắc chắn chúng ta không thể vượt qua khó khăn.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh Đình Tuệ.
Trong 06 năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” cho hàng trăm nhà giáo, đó là một sáng kiến nhằm khích lệ các thầy, cô giáo thực hiện sứ mệnh của mình. Tôi nhớ những năm 1980-1990, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, giáo viên phải làm thêm nhiều nghề. Trước tình trạng đó, ngành Giáo dục Hà Nội đã có sáng kiến tổ chức cuộc vận động “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” trong các nhà trường nhằm khơi dậy sự sáng tạo, tìm cách khắc phục khó khăn để nhà giáo yên tâm đến trường. Cuộc vận động này đã được Công đoàn giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng ra cả nước. Điều đáng nói là cuộc vận động lớn này đã làm thức tỉnh nhà giáo, giúp chúng tôi thấy rõ vai trò, sứ mệnh của mình.
Tôi nhớ khi tổng kết 05 năm cuộc vận động, nhiều thầy cô giáo đã rút ra cho mình nhiều bài học quý giá, trong đó, câu chuyện của một cô giáo dạy ngữ văn tại Trường THPT Nguyễn Trãi khiến tôi nhớ mãi. Lớp của cô có 03 học sinh đốt pháo. Lúc đó, theo quy định thì những học sinh này phải bị đuổi học. Sau nhiều năm ra trường, lớp tổ chức gặp mặt. Trong 03 em bị đuổi học, chỉ có 02 em đến. Các em cho biết sau này đã đi học bổ túc, em còn lại hình như bị bạn xấu lôi kéo nên không đi học nữa. Sự day dứt khiến cô không ngừng trăn trở, nỗ lực để trở thành giáo viên chủ nhiệm giỏi. Chuyện của một thầy giáo dạy Lý ở Trường THPT Việt Đức cũng cho bài học đáng nhớ: Đúng ngày thầy giáo này lên lớp thì có hai học sinh nữ trốn học đi chơi, không may bị tai nạn giao thông. Trong suy nghĩ của người thầy, có lẽ buổi học hôm đó có giờ học nào đó làm các em chán, sợ nên đã trốn học, nếu mỗi giờ học đều khiến học sinh thích thú thì chắc chắn các em sẽ không trốn tiết. Từ đó, thầy tự thấy mình có trách nhiệm thường xuyên cải tiến phương pháp để học sinh thích học, từ thích học các em sẽ học giỏi... Tôi kể lại những chuyện này để thấy sứ mệnh người thầy không phải là cái gì to tát, mà hiện hữu hằng ngày. Có tình thương, trách nhiệm và sự sáng tạo, mỗi thầy cô sẽ thực hiện tốt sứ mệnh của mình.
- Có lẽ những điều tâm huyết về sứ mệnh người thầy đã thôi thúc ông đề xuất thành lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - một mô hình giáo dục nhân văn, có nhiều đóng góp về quan điểm và phương pháp giáo dục cho ngành Giáo dục?
- Phát biểu tại hội nghị cán bộ quản lý của ngành Giáo dục dịp tổng kết năm học 1988-1989, đồng chí Trần Thị Tâm Đan, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi đó nhận định: “Giáo dục rất dễ bị ảnh hưởng bởi những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Tôi không lo chất lượng giáo dục văn hóa mà lo về chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh hơn”. Đồng chí Triệu Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lúc đó được giao chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Giáo dục học sinh chậm tiến của Hà Nội”; còn tôi đề xuất thành lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng để nghiên cứu thử nghiệm mô hình giáo dục giúp đỡ những học sinh gặp khó khăn về học tập và rèn luyện đạo đức. Đồng chí Vũ Mạnh Kha, lúc đó là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn nhắc tôi chỉ nên dùng từ “học sinh khó khăn” chứ không nên dùng từ “học sinh đặc biệt” hay “cá biệt”, “yếu kém”.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng ra đời là sự kết tinh của tâm huyết, tinh thần sáng tạo của các nhà quản lý giáo dục Hà Nội. Lúc đó, tôi có niềm tin vào tài năng và tâm huyết của đội ngũ nhà giáo Hà Nội. Trường Đinh Tiên Hoàng ra đời không chỉ được các đồng chí lãnh đạo thành phố, ban giám đốc và các phòng, ban của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ủng hộ, mà còn được đông đảo giáo viên giỏi cùng sát cánh tham gia. Mô hình giáo dục Đinh Tiên Hoàng thành công là căn cứ để Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội đề xuất với Ban Giám đốc Sở và Ban Thường vụ Công đoàn giáo dục Hà Nội tổ chức trao Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” từ năm học 2015-2016 đến nay.
Không chọn lọc “đầu vào” nhưng bảo đảm “đầu ra”
- Hơn 30 năm đồng hành, sát cánh cùng Đinh Tiên Hoàng, điều mà ông tâm huyết là gì?
- Mô hình giáo dục nhân văn Đinh Tiên Hoàng đã tập hợp được các nhà giáo tâm huyết, sáng tạo của Hà Nội trong hơn 30 năm qua để thực hiện sứ mệnh người thầy và quan điểm “không chọn lọc đầu vào nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh”.
Thực tế cho thấy, người thầy giỏi mấy cũng không làm thay được học sinh nếu các em không muốn và không hành động, không tạo ra thói quen tốt để hình thành nhân cách. Từ hoạt động thực tiễn muôn màu, muôn vẻ của đội ngũ nhà giáo Trường Đinh Tiên Hoàng, kết hợp với việc học tập, nghiên cứu khoa học tâm lý giáo dục, tôi đã tổng kết được năm quan điểm ứng xử với học sinh của người làm công tác giáo dục, gồm: Thứ nhất, chấp nhận những mặt riêng có của mỗi học sinh, bao gồm cả điểm yếu, kém để giúp các em biết cách điều chỉnh; thứ hai, khách quan trong việc đánh giá mặt mạnh và thiếu sót của học sinh. Đây vừa là cái tâm của người thầy vừa là phương pháp sư phạm khoa học; thứ ba, giúp học sinh biết cái lợi, cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp; thứ tư, giúp học sinh biết hòa nhập, tôn trọng lợi ích tập thể; thứ năm, biết gieo nhu cầu và tổ chức cho học sinh thực hiện dần các yêu cầu giáo dục bằng cách tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện chặt chẽ, nghiêm túc.
Từ đây, nhà trường kiên trì xây dựng phong cách “5 tự” cho học sinh, gồm: Biết tự học sáng tạo, tự chủ, tự trọng, tự tin, tự chịu trách nhiệm. Muốn vậy, chính mỗi thầy, cô giáo cũng phải luôn tự học, tự rèn để làm gương cho học sinh.
- Vậy cách thức rèn học sinh theo phong cách “5 tự” ở Đinh Tiên Hoàng được triển khai ra sao?
- Trường Đinh Tiên Hoàng đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, coi đây là “hiệu trưởng của mỗi lớp”, họ được tự chủ, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm được trả lương cao, được hưởng chế độ riêng về công tác giáo dục học sinh. Nhà trường còn có văn phòng tư vấn học đường để hỗ trợ giáo viên chủ nhiệm và học sinh trong việc tháo gỡ khó khăn.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh THPT học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nhưng ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nội dung này đã được triển khai nhiều năm nay. Văn phòng tâm lý học đường của trường đã tổ chức chương trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh; hằng năm, nhà trường đều tổ chức cho học sinh tham gia 2 lần hội trại với nhiều hoạt động như thi học sinh thanh lịch, hùng biện thuyết trình nghề mà mình yêu thích, thi nấu ăn, thi các sản phẩm ứng dụng STEM, thi văn nghệ, thể thao... Thông qua những hoạt động này, các em được rèn luyện đạo đức, lối sống và trưởng thành hơn rất nhiều về mọi mặt, đặc biệt là về kỹ năng giao tiếp, ứng xử.
- Trân trọng cảm ơn Nhà giáo ưu tú!
Theo Hà Nội mới
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.