• Click để copy

Quân sự thế giới hôm nay (25-2): Su-57 của Nga đến Iran làm gì?

Quân sự thế giới hôm nay (25-2) có những nội dung sau: Su-57 của Nga đến Iran làm gì? Thụy Điển gửi hệ thống pháo phòng không mới cho Ukraine, Pháp không ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa Meteor.

* Su-57 của Nga đến Iran làm gì?

Defence Security Asia đưa tin, một tiêm kích Su-57 của Nga được cho là đã bất ngờ dừng chân tại căn cứ không quân Bandar Abbas của Iran gần đây, gây ra sự tò mò và suy đoán trong giới quân sự và hàng không.

Các nguồn tin, chủ yếu từ mạng xã hội Iran, khẳng định chiếc máy bay này đã hạ cánh xuống Iran khi đang trên đường trở về Nga từ Triển lãm hàng không Ấn Độ 2025 (Aero India 2025).

Quân sự thế giới hôm nay (25-2): Su-57 của Nga đến Iran làm gì?
Hình ảnh từ video clip cho thấy chiếc Su-57 của Nga cất cánh từ căn cứ không quân Bandar Abbas của Iran. Nguồn: Defence Security Asia

Tuy nhiên, thời gian dừng lại chỉ đủ lâu để tiếp nhiên liệu trước khi chiếc Su-57 tiếp tục hành trình trở về Nga. Điều này hoàn toàn phù hợp với phạm vi hoạt động của máy bay, xét đến khoảng cách rất xa giữa Ấn Độ và Nga, vượt quá 4.000km tùy thuộc vào đường bay.

Theo công bố, Su-57 có tầm bay với tốc độ cận âm khoảng 3.500km khi được trang bị bình nhiên liệu bên trong. Trong khi đó, Bandar Abbas, nằm ở vị trí chiến lược gần Vịnh Ba Tư, trở thành một điểm dừng chân thuận tiện để tiếp nhiên liệu, đặc biệt là khi xét đến mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Tehran.

Các nhà quan sát quân sự Iran chỉ ra rằng đây là lần đầu tiên Su-57 hạ cánh tại nước này, một sự thay đổi đáng chú ý so với trước đây.
Thông thường, máy bay Nga sẽ tiếp nhiên liệu tại căn cứ không quân Hmeymim ở Syria, một điểm dừng chân đáng tin cậy cho lực lượng không quân Nga trên các chuyến bay đường dài.

Defence Security Asia đánh giá, chuyến đi “đường vòng” này không chỉ giải quyết được vấn đề hậu cần, mà còn mang đến cho Tehran cơ hội hiếm hoi được nhìn cận cảnh máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm tiên tiến của Nga.

Mặc dù chưa có xác nhận chính thức nào từ phía Nga hoặc Iran, Defence Security Asia nhận định đây là một động thái bình thường do nhu cầu hậu cần cấp thiết. Song, sự hiện diện của Su-57 tại Iran, dù chỉ trong thời gian ngắn, cũng gây chú ý với dư luận.

* Pháp không ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa Meteor

Theo Daily Sabah, chính quyền Pháp tuyên bố sẽ không ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa không đối không Meteor, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Hy Lạp.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu mới đây nêu rõ, nước này không tham gia vào khả năng bán tên lửa Meteor cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì Ankara có kế hoạch bổ sung chúng vào kho vũ khí của mình như một phần trong kế hoạch mua máy bay Eurofighter Typhoon.

Quân sự thế giới hôm nay (25-2): Su-57 của Nga đến Iran làm gì?
Tên lửa không đối không Meteor. Ảnh: Defence Blog 

“Chúng ta có vai trò gì trong chuyện này không? Câu trả lời là không”, Bộ trưởng Sebastien Lecornu phát biểu trước Quốc hội Pháp, đồng thời cho biết thêm về lập trường của Pháp rằng ngoại giao, không phải can thiệp, là con đường duy nhất cho Hy Lạp.

Trước đó, Hy Lạp phản đối các nước châu Âu bán tên lửa Meteor cho Thổ Nhĩ Kỳ do sự căng thẳng lịch sử giữa hai quốc gia này. Theo quan điểm địa chính trị, Athens coi việc Ankara tăng cường quân sự là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm khẳng định sự thống trị ở Đông Địa Trung Hải.

Lý do đằng sau cách tiếp cận không can thiệp của Pháp nằm ở sự phức tạp từ các quy định về sản xuất và xuất khẩu vũ khí quốc tế. Tên lửa Meteor, được sản xuất bởi MBDA, một tập đoàn đa quốc gia mà Pháp có vai trò thông qua cổ phần của mình tại Airbus, cùng với BAE Systems của Anh và Leonardo của Italy. Trong đó, quá trình phát triển tên lửa được dẫn đầu bởi Anh, với việc BAE Systems chủ trì.

Vì thế, theo Bộ trưởng Sebastien Lecornu, trong trường hợp với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận mua Typhoon, và theo đó là tên lửa Meteor, nằm trong phạm vi quản lý của London, không phải của Paris.

Sự phân chia trách nhiệm này là một đặc điểm của hợp tác quốc phòng châu Âu, nơi các dự án chung không tước đi quyền tự chủ xuất khẩu của từng quốc gia. Pháp có thể có một ghế tại bàn đàm phán, nhưng họ không nắm quyền kiểm soát trong vấn đề này.

* Thụy Điển gửi hệ thống pháo phòng không mới cho Ukraine

Army Recognition cho hay, Thụy Điển sẽ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng không thông qua việc chuẩn bị chuyển giao hệ thống pháo phòng không TRIDON Mk2 của nước này.

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson nêu rõ, gói viện trợ mới nhất của Stockholm dành cho Kiev trị giá hơn 100 triệu euro, bao gồm máy bay không người lái, tên lửa hành trình, máy bay, xe bọc thép… và đáng chú ý là sự xuất hiện của hệ thống TRIDON Mk2.

Quân sự thế giới hôm nay (25-2): Su-57 của Nga đến Iran làm gì?
Hệ thống pháo phòng không TRIDON Mk2 của Thụy Điển. Ảnh: The Defense Post 

Hệ thống TRIDON Mk2 chỉ mới được công ty BAE Systems AB (chi nhánh tại Thụy Điển thuộc BAE Systems của Anh) phát triển và chính thức ra mắt vào tháng 6-2024.

Hệ thống pháo phòng không mới này sẽ sử dụng pháo Bofors 40 Mk4 cỡ nòng 40mm đã được kiểm chứng, có băng đạn 100 viên. Mô-đun pháo được gắn trên xe tải dân dụng Scania cấu hình 6×6 bánh lốp, nhằm triển khai nhanh chóng trên đường nhựa và địa hình bằng phẳng.

Theo nhà sản xuất, pháo có tốc độ bắn tối đa 300 phát/phút, với tầm bắn tối đa 12km khi chống lại mục tiêu trên không. Pháo sử dụng đạn Bofors 3P có thể lập trình và có ngòi nổ điều khiển bằng sóng vô tuyến nên có thể phân mảnh, gây sát thương trong phạm vi rộng.

Để dẫn đường và bắn, một trạm quang học được lắp đặt phía trên mô-đun pháo, có chức năng phát hiện và theo dõi mục tiêu bằng hình ảnh. Việc sử dụng camera ảnh nhiệt cho phép kíp chiến đấu bắn trúng mục tiêu trên không cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện thời tiết bất lợi.

MINH ANH (tổng hợp)

Bài liên quan

Tin mới

Quy định mới về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy
Quy định mới về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy

Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2025/NĐ-CP quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy.

Tăng mức phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Tăng mức phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định số 24/2025/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đắk Lắk: Bắt 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả
Đắk Lắk: Bắt 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả

Chiều ngày 21/2/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đã phát hiện xử lý 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, thu giữ nhiều tang vật.

Tinh hoa văn hóa dân tộc hội tụ tại "ngôi nhà chung"
Tinh hoa văn hóa dân tộc hội tụ tại "ngôi nhà chung"

Trong khuôn khổ Ngày hội "Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2025 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, đông đảo nhân dân và du khách đã có dịp trải nghiệm những tập tục, sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hoa hướng dương khoe sắc tại công viên bờ sông Sài Gòn
Hoa hướng dương khoe sắc tại công viên bờ sông Sài Gòn

Thảm hoa hướng dương khoe sắc bên bờ sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh tạo nên một sắc vàng rực rỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn của người dân và du khách trong suốt những ngày đầu xuân mới.

Hà Nội công bố lịch thi lớp 10 THPT năm học 2025-2026
Hà Nội công bố lịch thi lớp 10 THPT năm học 2025-2026

Ngày 24-2, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 56/KH-UBND tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026.