Thách thức kép của Đức trong khủng hoảng di cư
Không chỉ chịu áp lực mạnh mẽ trong nước về vấn đề nhập cư, chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phải gánh trách nhiệm lớn đối với nỗi lo không của riêng ai ở “lục địa già” vốn đang thúc đẩy các giải pháp ngăn dòng người ồ ạt kéo tới “miền đất hứa”...
Theo Politico, chính phủ của Thủ tướng Scholz đang đứng trước nguy cơ thất bại trong việc đạt được những cải cách quan trọng về vấn đề nhập cư. Một nghịch lý đang diễn ra là càng nỗ lực tìm cách giảm số lượng người xin nhập cư, nước Đức lại càng nhận được nhiều đơn xin tị nạn hơn. Từ đầu năm tới nay, lượng đơn xin tị nạn đã tăng hơn 70% khiến ông Scholz vốn nổi tiếng hòa nhã, cũng đang phải tính tới những biện pháp cứng rắn hơn.
Năm nay, Đức dự kiến sẽ tiếp nhận số lượng kỷ lục người xin tị nạn kể từ mức đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 do cuộc nội chiến ở Syria gây ra. Với hơn 3 triệu người tị nạn hiện nay, chính phủ của ông Scholz đang phải đối mặt với áp lực nặng nề.
Làn sóng người tị nạn gần đây đã đẩy nhiều khu vực và thành phố của Đức vào hoàn cảnh khó khăn. Các quan chức địa phương cho biết họ không bảo đảm được nhà ở cho người tị nạn cũng như nhân sự để xử lý các vấn đề liên quan tới hơn 250.000 người xin tị nạn đã đến nước này trong năm 2023. Trong khi đó, những bất lực trong ngăn chặn dòng người di cư đang khiến người dân Đức thất vọng nhiều hơn vào cách thức xử lý của chính phủ.
Trong bối cảnh đó, các bang và thành phố đã gây sức ép lên chính phủ nhằm nhận được các khoản tài chính để có thể bảo đảm điều kiện ăn ở vốn đang quá tải hiện nay của người tị nạn, cũng như vấn đề chăm sóc và sự hòa nhập của họ. Cuộc họp của ông Scholz với lãnh đạo 16 bang mới đây phần nào giúp các địa phương đạt mục tiêu khi nhận được nhiều tiền hơn từ chính phủ liên bang để chi trả cho việc tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, mục tiêu giảm số lượng người tị nạn vẫn là một vấn đề hóc búa.
Cảnh sát liên bang của Đức xử lý một nhóm người nhập cư trái phép qua biên giới Ba Lan vào Đức. Ảnh: AP |
Một gói cải cách mới cũng được thông qua bao gồm các biện pháp hạn chế người nhập cư, nhưng được đánh giá là không mấy triển vọng. Trong đó có thể kể tới kế hoạch cấp phúc lợi cho người tị nạn bằng thẻ ghi nợ thay vì tiền mặt, đồng thời khiến những người mới đến phải chờ đợi lâu hơn để nhận được phúc lợi của Đức. Sáng kiến được gọi là mới này lại chứa đựng những cam kết cũ nhằm đẩy nhanh quá trình đánh giá và trục xuất người tị nạn, tăng cường kiểm soát biên giới và theo đuổi những cuộc đàm phán với các nước ở châu Phi cũng như nhiều nơi khác để ngăn chặn dòng người xin tị nạn. Việc trục xuất cũng không phải “muốn là được” vì nhiều người tị nạn áp dụng chiêu vứt bỏ giấy tờ của mình, như hộ chiếu, vì biết rằng như vậy sẽ làm phức tạp thêm việc trục xuất.
Hiện một số biện pháp đang được Đức áp dụng như kiểm tra tạm thời ở biên giới Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ, cũng như áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm buôn người. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đã đề xuất luật đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn không đủ điều kiện ở lại Đức. Chính phủ Đức cũng đang tìm cách cho phép những người xin tị nạn thành công bắt đầu làm việc sớm hơn.
Tuy nhiên, Chính phủ Đức đang đối mặt với những áp lực phải thi hành những biện pháp cứng rắn hơn theo một thỏa thuận chung mà các nước Liên minh châu Âu (EU) phải chật vật mới đạt được vào tháng 10 và đang phải chờ Nghị viện châu Âu thông qua. Đó là Hiệp ước về di cư và tị nạn của EU, trong đó có những điều khoản giúp giảm bớt gánh nặng cho các quốc gia trên tuyến đầu ứng phó với dòng người di cư như Đức. Cụ thể đó là chuyển một số lượng người tị nạn sang các quốc gia EU khác hoặc yêu cầu đóng góp tài chính từ những nước từ chối tiếp nhận người tị nạn.
Mặc dù Đức cũng sẽ là nước hưởng lợi chính từ thỏa thuận của EU, nhưng cách tiếp cận của nước này đối với các cuộc đàm phán về hiệp ước trên đã cho thấy sự dè dặt của chính phủ do ông Scholz đứng đầu trước áp lực phải thực thi đường lối cứng rắn hơn trong vấn đề tị nạn. Trên thực tế, Berlin vẫn miễn cưỡng chấp nhận các điều khoản nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như cho phép giam giữ những người xin tị nạn ở biên giới bên ngoài EU cho đến khi trường hợp của họ được giải quyết.
Là một trong những nước giữ vai trò chính trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu, Thủ tướng Scholz tuyên bố rằng “sự đoàn kết” của châu Âu trong việc chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn là giải pháp khả thi duy nhất cho vấn đề này. Người tiền nhiệm của ông là bà Angela Merkel cũng từng đề cập tới điều này cách đây gần một thập kỷ. Và kết cục cũng giống nhau đó là không mấy quốc gia ở “lục địa già” vốn đầy chia rẽ để tâm tới điều này. Thách thức kép đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong việc tìm lời giải cho bài toán nhập cư vì thế càng nan giải hơn.
XUÂN PHONG
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.