Thêm cơ hội, tăng áp lực cho học sinh
Phương án tuyển sinh năm 2023 của các trường đại học cho thấy năm nay tiếp tục xu hướng đa dạng hóa phương thức, thêm các kỳ thi riêng. Điều này mở rộng thêm cơ hội trúng tuyển đại học cho thí sinh, nhưng cũng đặt các em trước áp lực bởi nhiều kỳ thi.
Tiếp tục xu hướng tuyển sinh riêng
Năm nay, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để xét tuyển đại học. Như vậy, số kỳ thi riêng năm 2023 sẽ tăng lên 9 kỳ thi khi năm 2022 đã có 7 kỳ thi tuyển sinh riêng được tổ chức bởi các đơn vị gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Việt Đức, Đại học Bách khoa Hà Nội và Cục Đào tạo, Bộ Công an (tuyển sinh vào khối trường của Bộ Công an).
Các cơ sở giáo dục đại học cũng gia tăng xu hướng sử dụng điểm các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Sau nhiều năm trao đổi, mới đây, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã thống nhất được chuyển đổi điểm giữa hai bài thi đánh giá năng lực do các đơn vị này tổ chức. Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Sẽ có khoảng 120 đến 160 trường ở cả hai khu vực phía Bắc và phía Nam xét tuyển bằng điểm của cả hai bài thi. Điều này giúp thí sinh chỉ phải thi ít lần nhưng vẫn có cơ hội xét tuyển vào nhiều trường đại học khác nhau”.
Thí sinh tìm hiểu thông tin Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. |
Bên cạnh các kỳ thi riêng, các trường tiếp tục xét tuyển dựa trên những chứng chỉ quốc tế như: SAT, ACT; chứng chỉ tiếng Anh như: TOEIC, TOEFL, IELTS, xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ... Việc đa dạng phương thức tuyển sinh đồng nghĩa với việc thí sinh có thể mở nhiều “cánh cửa” khác nhau để vào đại học, nhưng đồng thời cũng gia tăng áp lực khi phải cùng lúc ôn luyện cho nhiều kỳ thi, mỗi kỳ thi lại có phương thức, định hướng khác nhau.
Em Trần Anh Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) cho biết: “Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần: Tư duy định tính, tư duy định lượng và khoa học xã hội. Còn bài thi kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội lại tư duy nặng về toán học và logic. Em cảm thấy căng thẳng khi phải ôn kiến thức rộng, gồm cả những môn không phải sở trường của mình".
Không chỉ nội dung kiến thức, thầy Đinh Đức Hiền (giáo viên Hệ thống giáo dục HOCMAI) cho hay, học sinh còn áp lực bởi mỗi kỳ thi có dạng đề, cách thức thi khác nhau. Với rất nhiều lo lắng cho kỳ tuyển sinh phía trước, đa số sĩ tử đều học kín lịch từ sáng tới đêm. “Em bắt đầu một ngày từ lúc 6 giờ, đi học ở trường và các lớp học thêm đến 21 giờ 30 phút. Sau đó về nhà và tiếp tục học ôn thi các bộ đề khác nhau đến khoảng 1 giờ sáng mới đi ngủ. Ngày hôm sau lại guồng quay như vậy”, em Đào Anh Ngọc, học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ.
Cách giảm áp lực cho học sinh
Lãnh đạo các đơn vị có tổ chức thi riêng đều nhấn mạnh việc thí sinh không cần đi luyện thi, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể làm tốt bài thi. GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, việc học sinh đến các trung tâm luyện thi chỉ là giải pháp tinh thần vì ngân hàng đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội rất lớn, dữ liệu có thể lấy ngoài sách giáo khoa. Cùng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: “Bài thi đánh giá năng lực của đơn vị này đòi hỏi thí sinh phải trình bày kiến thức, thậm chí đề còn cung cấp dữ kiện, nhưng đòi hỏi thí sinh phải tư duy để giải quyết vấn đề. Do đó, thí sinh thay vì đi luyện thi thì cần có cách học tập khoa học, toàn diện, không học lệch, học tủ”.
Nói thêm về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, thí sinh không cần đi học thêm, chỉ cần học ở trường là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực của trường này. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị tổ chức thi đều công bố đề thi tham khảo. Để làm quen với định dạng cũng như kỹ năng làm bài thi, thí sinh nên tập dượt làm thử theo đề thi này trước ngày thi.
GS Nguyễn Tiến Thảo nhận xét: “Một sai lầm thí sinh thường mắc phải là chia thời gian bình quân cho các câu hỏi trong khi độ khó-dễ của mỗi câu là khác nhau. Các em cần có chiến lược làm bài, ưu tiên làm nhanh câu hỏi dễ, đánh dấu câu hỏi khó hoặc chưa chắc chắn đáp án để quay lại làm tiếp. Việc làm bài thi tham khảo sẽ cho các em kinh nghiệm trước khi bước vào kỳ thi chính thức”.
Bên cạnh đó, chuyên gia giáo dục cũng khuyên thí sinh nên có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng, chọn lọc các trường đại học có ngành đào tạo ngành nghề đó và phù hợp với năng lực bản thân, tìm hiểu phương thức xét tuyển, lựa chọn phương thức tối ưu nhất và tập trung ôn tập theo phương thức đó. Đây cũng là lời khuyên của PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo bà Nguyễn Thu Thủy, ngoài kỳ thi của hai đại học quốc gia, các kỳ thi riêng hiện có sự phân hóa tương đối như kỳ thi của Đại học Bách khoa Hà Nội thiên về khối trường kỹ thuật, kỳ thi của hai đại học sư phạm phục vụ tuyển sinh nhóm trường sư phạm, nhóm trường an ninh có kỳ thi của Bộ Công an... Vì thế, thí sinh nên lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển đại học của bản thân. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ khiến thí sinh bị áp lực nặng nề, lãng phí nhiều thời gian, công sức, giảm hiệu quả học tập cũng như khó đạt kết quả thi mong muốn.
Bài và ảnh: THÁI BÌNH
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.