Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam
Sáng 13-11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo tờ trình, tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại ga Ngọc Hồi (TP Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 67,34 tỷ USD.
Về tiến độ thực hiện, dự án dự kiến khởi công năm 2027; phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Theo phương án thiết kế sơ bộ, dự án có 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200-500ha; 5 ga hàng, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha. Trong quá trình khai thác, khi địa phương hình thành và phát triển các đô thị có quy mô dân số và có nhu cầu vận tải đủ lớn, khoảng cách giữa các ga bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, Chính phủ sẽ giao cho địa phương chủ trì kêu gọi nhà đầu tư thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trên tuyến sử dụng 3 loại kết cấu chính (kết cấu cầu khoảng 60%, hầm khoảng 10% và nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến); xây dựng 5 depot tàu khách và 4 depot phục vụ bảo dưỡng, sửa chữa tàu hàng; hệ thống thông tin, tín hiệu, điện và thẻ vé bảo đảm đồng bộ, hiện đại.
Theo đánh giá, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế. Việc đầu tư dự án sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế: Tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức; mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất; phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng; phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo ra hàng triệu việc làm; trong thời gian xây dựng, ước tính góp phần tăng GDP bình quân của cả nước khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó, Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Đề nghị trong bước nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ lưỡng, lựa chọn phương án tối ưu kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, hệ thống giao thông khác và với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, về nguồn vốn dành cho dự án, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng, cụ thể về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước và an toàn nợ công.
HOÀNG CHUNG
Tin mới
Sửa quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 148/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
Tăng cường quản lý, kiểm soát hóa chất hạn chế
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động hóa chất.
Nghị quyết về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP ngày 12/11/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2024 trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện toàn diện, hiệu quả hơn nữa các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, kiên trì các mục tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,4 - 7,6%, cả năm đạt trên 7% và hoàn thành toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024.
Đại tướng Nguyễn Tân Cương chúc mừng Học viện Quốc phòng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)
Sáng 14-11, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm, chúc mừng cán bộ, giảng viên, nhân viên Học viện Quốc phòng nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 / 20-11-2024).
Sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm thực chất, hiệu quả, tạo phấn khởi, ổn định chung
Tại Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 14-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đoàn kết phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể
Sáng 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với nhân dân các dân tộc khu dân cư khu 8, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.