Châu Âu liệu sẽ thiếu khí đốt?
Động thái của Mỹ hoãn phê duyệt xuất khẩu cho các dự án khí hóa lỏng (LNG) mới đang làm dấy lên ý kiến trái chiều về việc có hay không ảnh hưởng đến khả năng bảo đảm khí đốt của Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ hiện là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu LNG, kim ngạch dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 với 7 cơ sở khai thác xuất khẩu và 5 cơ sở đã được phê duyệt, đang trong quá trình xây dựng. Ngoài ra, có 17 dự án đang xin cấp phép. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm 2022, Mỹ từng bước trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất sang châu Âu trong bối cảnh “lục địa già” ráo riết chạy đua tìm nguồn cung thay thế nhiên liệu vốn trước đó phụ thuộc phần lớn từ Moscow để lấp đầy các kho dự trữ.
Việc tăng cường mua khí đốt của Mỹ, cùng với nhu cầu sưởi ấm thấp hơn do thời tiết ôn hòa và giá năng lượng cao buộc một số ngành công nghiệp đóng cửa, giúp các nước EU vượt qua hai mùa đông vừa qua. Theo Reuters, với hơn 60% sản lượng LNG của Mỹ đến châu Âu hai năm qua, đã xuất hiện nhiều hoài nghi về khả năng bảo đảm khí đốt của EU do chính quyền Washington hoãn phê duyệt cấp phép xuất khẩu mới. Tuy nhiên, EU cho rằng sẽ đủ khí đốt trong 10 năm tới. “Quyết định của Mỹ không ảnh hưởng đến các dự án xuất khẩu đã được phê duyệt. Sẽ không có bất kỳ tác động ngắn hạn và trung hạn nào tới an ninh khí đốt của EU”, Reuters trích lời một người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) nhấn mạnh.
Tuyên bố đầy tự tin trên không phải không có cơ sở. Các chuyên gia dự báo tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong dài hạn sẽ giảm khi khu vực này chuyển hướng khỏi nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng các mục tiêu khí hậu. Do đó, các nước EU có thể không cần thêm LNG từ Mỹ.
Nhà nghiên cứu năng lượng Anne-Sophie Corbeau tại Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng các tín hiệu về xu hướng này đã xuất hiện, bao gồm sự gia tăng của các nguồn năng lượng như khí sinh học, khí đốt từ Na Uy, châu Phi và Azerbaijan, cùng với sự suy giảm sản xuất, đặc biệt là sau năm 2030 - thời điểm mà quyết định của Tổng thống Biden có tác động rõ rệt. Cùng với đó, nhằm trấn an những người đang lo lắng, Mỹ cam kết việc tạm dừng sẽ không gây tổn hại cho các quốc gia đồng minh châu Âu. Theo Reuters, trong trường hợp EU cần thêm khí đốt, Washington vẫn có thể cung cấp theo điều khoản miễn trừ vì an ninh quốc gia.
Một tàu vận chuyển LNG neo đậu trên sông Calcasieu phía Tây Nam bang Louisiana, Mỹ. Ảnh: Getty Images |
Ngoài ra, chính các công ty năng lượng Mỹ cũng cho rằng quyết định hoãn của chính phủ chỉ là tạm thời. Sputnik News dẫn phân tích của chuyên gia Stanislav Mitrakhovich tại Quỹ An ninh năng lượng quốc gia (Nga) cho biết họ tin rằng khi chiến dịch bầu cử kết thúc, sẽ lại có thể xin được giấy phép mới để xuất khẩu LNG. Cùng với đó, dòng nhiên liệu siêu lạnh của Nga vẫn tiếp tục hướng về châu Âu.
Theo Sputnik News, truyền thông châu Âu từng thừa nhận vào tháng 8 năm ngoái rằng lượng mua LNG của Nga sang châu Âu đã tăng 39,5% so với mức trước cuộc xung đột tại Ukraine. Hơn nữa, Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) có trụ sở tại Mỹ nêu rõ khoảng 21% LNG của Nga hiện được các cảng EU tiếp nhận sẽ không bị ảnh hưởng bởi mục tiêu của khối về kế hoạch hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Moscow (RePowerEU) vào năm 2027.
Tuy nhiên, không phải ai cũng an tâm. S&P Global dẫn đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp khí đốt châu Âu (Eurogas) cho biết động thái trên từ Nhà Trắng ít nhất trong ngắn hạn sẽ tác động phần nào đến thị trường, nguồn cung hoặc thậm chí có thể kéo dài thời kỳ biến động giá ở châu Âu. Eurogas cho biết vẫn còn gần 50 tỷ mét khối khí đốt/năm của Nga mà châu Âu muốn thay thế trước cuối thập kỷ này, nên các dự án LNG mới của Mỹ vẫn cần thiết với khu vực. Trong khi đó, theo Reuters, các công ty khí đốt, nhóm vận động hành lang ở Mỹ đã dự đoán trước quyết định của Tổng thống Mỹ và phản đối nhưng bất thành. Liên minh khí đốt quốc tế (IGU) cho biết điều này rất đáng lo ngại và sẽ gây tổn hại an ninh năng lượng toàn cầu và giảm phát thải. Các nhà nhập khẩu khí đốt Sefe và Uniper của Đức cũng đưa ra cảnh báo tương tự.
VĂN HIẾU
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.