Khẩn trương làm đất, gieo cấy, hạn chế thất thoát, lãng phí nước
Từ ngày 22 đến 28-1-2024, các hồ chứa thủy điện đã tăng cường xả nước đợt 1 phục vụ các địa phương Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy lúa vụ đông-xuân. Làm sao để vừa bảo đảm nguồn nước phục vụ gieo cấy, vừa bảo đảm phát điện, sinh hoạt, sản xuất trong thời gian tới ở các tỉnh, thành phố miền Bắc.
Đó là những vấn đề được ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân.
Phóng viên (PV): Thưa ông, đến thời điểm này đã có bao nhiêu diện tích ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lấy được nước để gieo cấy lúa vụ đông-xuân 2023-2024?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Diện tích có nước tính đến hết ngày 28-1 (ngày cuối cùng của đợt 1 lấy nước) là 381.373ha/492.946ha, đạt gần 80%. Cụ thể: Hà Nam đạt 92%, Nam Định đạt 88%, Thái Bình đạt 88%, Ninh Bình đạt 86%, Phú Thọ đạt 85%, Hưng Yên đạt 82%, Hải Phòng đạt 79%, Vĩnh Phúc đạt 78%, Hải Dương đạt 75%, Bắc Ninh đạt 73%, Hà Nội đạt 45%.
Diện tích có nước sẽ tiếp tục tăng do các địa phương vẫn vận hành công trình thủy lợi lấy nước bằng các trạm bơm dã chiến, lợi dụng thủy triều... Dự kiến trước đợt 2 lấy nước, diện tích đủ nước để làm đất sẽ tăng thêm khoảng 8-10%; toàn bộ diện tích gieo cấy lúa đông-xuân sẽ được cấp đủ nước trong đợt 2.
Ông Nguyễn Hồng Khanh. Ảnh: NGHINH XUÂN |
PV: Vì sao số ngày lấy nước đợt 1 năm nay lại rút ngắn được hai ngày so với kế hoạch đề ra?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Việc rút ngắn thời gian lấy nước đợt 1 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quyết định dựa trên tiến độ lấy nước thực tế của các địa phương, ý kiến của các cơ quan chuyên môn và trao đổi với lãnh đạo UBND, sở NN-PTNT một số tỉnh, thành phố sau khi đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì đi kiểm tra tiến độ lấy nước của tỉnh Hải Dương và Hưng Yên ngày 24-1-2024.
Một số địa phương cũng đã chủ động lấy nước sớm khi có điều kiện thuận lợi về nguồn nước. Việc quyết định rút ngắn thời gian lấy nước dựa trên tiến độ lấy nước của các địa phương, phù hợp với lịch làm đất của người dân và lịch gieo cấy trong kế hoạch ban đầu khi xây dựng. Thời gian lấy nước đợt 1 rút ngắn hai ngày có ý nghĩa rất lớn, như giúp tiết kiệm nguồn nước trong các hồ chứa thủy điện, giảm thời gian vận hành và dành nguồn nước cho phát điện mùa hè tới.
PV: Trước đây thường có 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy, nhưng hai năm nay lại chỉ có hai đợt. Ông có thể cho biết lý do vì sao lại chỉ có hai đợt lấy nước?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Việc xây dựng kế hoạch lấy nước được căn cứ theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Từ vụ đông-xuân năm 2021-2022 trở về trước, nguồn nước ít thiếu hụt trong các hồ thủy điện và trên các sông suối, kế hoạch lấy nước thường được xây dựng làm 3 đợt với thời gian từ 16 đến 18 ngày. Bên cạnh đó, khả năng lấy nước chủ động của công trình thủy lợi cũng chưa tốt dẫn đến thời gian lấy nước phải đủ dài mới bảo đảm cung cấp nước phục vụ gieo cấy.
Gần đây, rất nhiều công trình thủy lợi lấy nước được xây dựng, nâng cấp, có khả năng vận hành chủ động, ít hoặc không phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ chứa thủy điện như các trạm bơm Thanh Điềm, Đan Hoài, các trạm bơm dã chiến Phù Sa, Trung Hà (Hà Nội), các trạm bơm Tri Phương, Phú Mỹ, Yên Hậu (Bắc Ninh), một số trạm bơm bổ sung ở Vĩnh Phúc (Bạch Hạc, Đại Định), các trạm bơm cột nước thấp ở tỉnh Hưng Yên... Đây là cơ sở quan trọng để rút ngắn số đợt và điều hành linh hoạt lịch lấy nước, cũng là lý do giải thích tại sao hai năm trở lại đây kế hoạch lấy nước giảm từ 3 đợt/16-18 ngày xuống 2 đợt/12 ngày.
Trạm bơm dã chiến Phù Sa (Sơn Tây, Hà Nội) vận hành lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông-xuân 2023-2024. Ảnh: DIỆP ANH |
PV: Vậy có gây ra khó khăn, thách thức gì đối với ngành thủy lợi và bà con nông dân không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Dù đã tính toán kỹ lưỡng từ khi xây dựng lịch lấy nước nhưng không thể tránh khỏi những khó khăn, thách thức đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi và người dân. Vì thế, các địa phương phải xây dựng kế hoạch, phương án, phương tiện, bố trí nhân lực tập trung để thực hiện đúng tiến độ, không để xảy ra sự cố công trình thủy lợi trong thời gian lấy nước. Người dân cũng cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy lợi cơ sở, công ty khai thác công trình thủy lợi để nhanh chóng đưa nước lên ruộng, gia cố bờ vùng, bờ thửa kỹ càng; khẩn trương làm đất, gieo cấy để giữ nước, hạn chế đến mức thấp nhất thất thoát, lãng phí nước.
PV: Ông có khuyến cáo gì đối với bà con nông dân và các công ty thủy lợi ở các địa phương để bảo đảm yêu cầu vừa có nước phục vụ gieo cấy, vừa có nước phục vụ sinh hoạt...?
Ông Nguyễn Hồng Khanh: Cục Thủy lợi đã có yêu cầu, khuyến cáo về việc tổ chức lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy lúa vụ đông-xuân 2023-2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể: Các công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi tiếp tục đưa nước lên ruộng trong thời gian trước đợt 2 nếu điều kiện nguồn nước cho phép. Các địa phương cần vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất để giữ nước trên ruộng; tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa; bảo đảm chống thất thoát nước cho các diện tích đã được cấp đủ nước.
Các địa phương đang có diện tích lấy nước thấp, nhiều vùng khó lấy nước cần rà soát các diện tích gieo cấy khả năng bị thiếu nước để lắp đặt các trạm bơm dã chiến hoặc thực hiện các phương án bổ sung nguồn nước phù hợp với đặc điểm của từng vùng.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)
Tin mới
Đánh bom tại một nhà ga ở Pakistan, ít nhất 13 người thiệt mạng
Ít nhất 13 người thiệt mạng và 25 người bị thương trong vụ đánh bom xảy ra vào sáng 9-11 tại một nhà ga tàu hỏa ở thủ phủ Quetta, tỉnh Balochistan, Tây Nam Pakistan.
Campuchia kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập
Sáng 9-11, Lễ kỷ niệm 71 năm Ngày Độc lập Vương quốc Campuchia (9-11-1953 / 9-11-2024) và kỷ niệm 71 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia được tổ chức long trọng tại Đài Độc lập ở thủ đô Phnom Penh.
Houthi tuyên bố bắn hạ “Quái điểu” MQ-9 Reaper thứ 12
Tân Hoa xã ngày 9-11 dẫn tuyên bố của lực lượng Houthi ở Yemen cho biết vừa bắn hạ thêm máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper với biệt danh “Quái điểu” do Mỹ sản xuất.
Bão số 7, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 14
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ (9-11), vị trí tâm bão khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 415km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15km/giờ.
Khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" tại tỉnh Điện Biên
Ngày 9-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Chi nhánh Điện Biên phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Bệnh viện E và Sở Y tế tỉnh Điện Biên khai mạc Chương trình "Trái tim cho em" năm 2024 tại Điện Biên.
Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị lên đường đi thăm quân và dân vùng biển Tây Nam
Sáng 9-11, tại cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh và các đơn vị đi thăm cán bộ, chiến sĩ Vùng 2, Vùng 5 Hải quân, nhân dân và các lực lượng trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam và Nhà giàn DK1/10 năm 2024 chính thức rời cảng lên đường.