• Click để copy

Không để xe ghép ngoài vòng quản lý-Bài 2: Tiện nhiều nhưng hại cũng không ít

Xe ghép khá thuận tiện, đáp ứng nhu cầu cũng như tâm lý của một bộ phận không nhỏ hành khách, tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những ưu điểm thì tác hại, mặt trái từ xe ghép cũng không ít. Đó là tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, nhà nước thất thu thuế, việc bảo đảm an toàn, quyền lợi cho hành khách cũng còn nhiều vấn đề đáng nói...

Trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh

Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Thắng Hiền (Công ty Thắng Hiền) có trụ sở tại huyện Lâm Thao (Phú Thọ), chi nhánh tại TP Việt Trì đã có hàng chục năm kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách. Công ty Thắng Hiền hiện có nhiều đầu xe limousine chạy hợp đồng chuyên tuyến Việt Trì-Hà Nội, hoạt động từ 5 giờ đến 21 giờ hằng ngày với tần suất 1 giờ/chuyến. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thắng Hiền cho biết, so với loại hình xe khách, xe hợp đồng limousine của Công ty đã thân thiện, tạo thuận lợi hơn nhiều cho khách hàng vì tại TP Việt Trì, hành khách sẽ được xe trung chuyển đón-trả tận nhà; tại Hà Nội, xe đón-trả khách tại một số điểm cố định theo đăng ký. Tuy nhiên, trước loại hình xe ghép “đón tận nhà, đưa tận nơi” thì xe hợp đồng limousine dần dần mất ưu thế. Những năm trước, khá đông hành khách chọn dịch vụ xe limousine của Công ty, nhưng gần đây, đặc biệt là sau dịch Covid-19, hoạt động của xe ghép bùng phát khiến số lượng khách hàng đến với xe hợp đồng sụt giảm trông thấy, thu nhập của đội ngũ lái xe, nhân viên cũng vì thế mà giảm sút. “Xe ghép đưa đón tận nơi, giá chỉ nhỉnh hơn so với chúng tôi một chút do không phải nộp các loại thuế, phí nên đã tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng, ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý tình trạng này”, ông Nguyễn Đức Thắng bày tỏ.

Không để xe ghép ngoài vòng quản lý-Bài 2: Tiện nhiều nhưng hại cũng không ít
Xe ghép dừng chờ đón khách trên một tuyến phố thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội gây cản trở giao thông. 

Cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế là những hệ lụy dễ thấy nhất từ thực trạng xe ghép hoạt động “ngoài vòng pháp luật” như hiện nay. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; người kinh doanh phải có giấy phép kinh doanh; có phù hiệu do sở giao thông vận tải cấp; lái xe phải được bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ vận tải; người kinh doanh vận tải phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và bảo hiểm cho hành khách... Các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật phải chịu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, phải nộp các loại thuế, phí như: Lệ phí môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng... cùng các chi phí tuân thủ khác. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh kiểu xe ghép hiện chưa đáp ứng được các yêu cầu này, hậu quả là gây thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời tạo ra thế cạnh tranh không công bằng với những đơn vị vận tải tuân thủ đúng quy định. “Người kinh doanh vận tải theo hình thức xe ghép như nói trên ngoài việc không tuân thủ các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô còn vi phạm pháp luật về thuế. Nếu cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thì các trường hợp này sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ông Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Không để xe ghép ngoài vòng quản lý-Bài 2: Tiện nhiều nhưng hại cũng không ít
 Ảnh trang trong: Lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ lập biên bản xử phạt đối tượng NTM vì chở khách bằng xe ghép không có giấy phép kinh doanh và vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19, tháng 8-2021. Ảnh: LĐO

Đồng ý với quan điểm này, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích thêm, mặc dù xe ghép rất tiện cho hành khách nhưng đây là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách chưa được cấp phép, không chịu sự quản lý của Nhà nước, trốn thuế, vi phạm pháp luật. Sự bùng phát mạnh mẽ, không kiểm soát của loại hình xe ghép không những gây thất thu thuế mà còn phần nào gây rối loạn, ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách nói chung. Ví dụ như trước áp lực cạnh tranh từ xe ghép, có thể xảy ra tình trạng các loại xe khách, xe chạy tuyến cố định phải tăng cường bắt khách dọc đường nhằm tăng thu nhập, từ đó sẽ hình thành “bến cóc”, gây mất trật tự, an toàn giao thông, hoặc khi ít khách, làm ăn thua lỗ, nhiều nhà xe có thể sẽ bỏ chuyến, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng...

Hành khách cũng chịu thiệt

Là người có “thâm niên” gần hai năm đi xe ghép, chị NTH ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chia sẻ, bên cạnh những ưu điểm thì nỗi lo tai nạn giao thông (TNGT) khi đi xe ghép luôn thường trực, nhiều phen chị không khỏi giật mình, hốt hoảng vì lái xe ghép phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí đã xảy ra va chạm với xe khác. “Nhiều tài xế xe ghép vừa điều khiển xe với tốc độ cao, vừa liên tục gọi điện, nhắn tin trao đổi với “đồng nghiệp” trên nhóm Zalo để tìm khách. Tình trạng luồn lách, chạy xe với tốc độ cao, vượt ẩu xảy ra khá thường xuyên, cũng may tôi chỉ gặp một vài trường hợp va chạm nhỏ chứ chưa xảy ra TNGT nghiêm trọng”, chị NTH cho biết.

Nỗi lo của chị NTH cũng là băn khoăn của không ít hành khách đi xe ghép và các chuyên gia giao thông, nhà quản lý. Từ thực tế hoạt động của loại hình xe ghép những năm qua, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định, theo quy định, người kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm cho hành khách; lái xe phải được bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ vận tải... Tuy nhiên, xe ghép do không có sự quản lý nên không thực hiện những quy định này. Nếu không may trong quá trình hoạt động, xe ghép gây TNGT ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách thì trách nhiệm của chủ xe sẽ rất nặng nề, đặc biệt, chính hành khách cũng là người phải chịu thiệt thòi do không được bảo hiểm. Mặt khác, do không được bồi dưỡng về nghiệp vụ vận tải, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông còn hạn chế nên không ít lái xe ghép phóng nhanh, vượt ẩu để tranh giành khách hoặc kịp thời gian đón, trả khách, làm gia tăng tình trạng ùn tắc và nguy cơ TNGT.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, bên cạnh việc hành khách không được bảo hiểm, nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn, do không có sự quản lý nên khi đi xe ghép còn nhiều tình huống khó lường, nhiều bất trắc có thể xảy ra như việc mất mát tài sản cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách, nhất là vào những thời điểm sáng sớm, đêm khuya... Cũng không loại trừ việc lái xe cố tình vi phạm pháp luật, làm liên lụy đến khách hàng. Nhận định của TS Nguyễn Xuân Thủy là có cơ sở, bởi thực tế đã có trường hợp xe ghép chở pháo lậu, hàng cấm, không chấp hành quy định của pháp luật. Điển hình như đầu tháng 8-2021, lực lượng chức năng tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, xử phạt lái xe ghép NTM (trú tại thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) số tiền 8,5 triệu đồng vì hành vi vận tải hành khách bằng xe ghép không có giấy phép kinh doanh, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, mặc dù tỉnh Phú Thọ đang tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ địa phương này đến TP Hà Nội và hơn 20 tỉnh, thành phố khác để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng NTM vẫn cố tình quảng cáo dịch vụ xe ghép trên Facebook cá nhân và các hội, nhóm xe ghép để tìm và vận chuyển hành khách xuống Hà Nội...

                                                                                                                                           (còn nữa)

PHƯƠNG HIỀN

Bài liên quan

Tin mới

Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh

Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.

Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.

Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam

Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ

Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.

Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh

Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).

TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua

Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.