Không để xe ghép ngoài vòng quản lý - Bài 3: Lời giải nào cho “bài toán xe ghép”? (tiếp theo và hết)
Xe ghép là loại hình mới xuất hiện, mặc dù đang hoạt động “ngoài vòng pháp luật” với cả ưu điểm và không ít mặt trái nhưng đây là dịch vụ xuất phát từ nhu cầu có thật, đáp ứng mong mỏi và tâm lý của hành khách. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên, không thể cấm xe ghép mà phải sớm có giải pháp quản lý thông qua các quy định của pháp luật cùng những cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp.
Khó như... quản lý xe ghép
Mặc dù đang chịu áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ xe ghép nhưng ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Thắng Hiền (Phú Thọ) vẫn cho rằng xe ghép xuất hiện từ nhu cầu thực tiễn, đáp ứng mong mỏi được phục vụ tốt hơn, dịch vụ tiện lợi, thân thiện hơn của khách hàng. “Đây là xu hướng khách quan. Thực tế, rất nhiều hành khách, kể cả cán bộ, công chức chọn dịch vụ này, vì vậy không thể cấm mà vấn đề là phải sớm đưa xe ghép vào vòng quản lý”, ông Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Thắng, chị N.T.H ở phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc)-một khách hàng gắn bó với xe ghép nhiều năm bày tỏ: “Nếu có sự quản lý phù hợp, khắc phục được những bất cập, hạn chế thì xe ghép là một hình thức vận tải hành khách mang lại nhiều tiện ích cho người dân”.
Không cấm xe ghép nhưng phải sớm quản lý loại hình vận tải này, tránh tình trạng xe ghép hoạt động tràn lan, bất chấp pháp luật như hiện nay cũng là quan điểm của một số chuyên gia giao thông, cán bộ quản lý mà chúng tôi có dịp trao đổi. “Việc xe ghép kinh doanh vận tải hành khách nhưng chưa đăng ký kinh doanh, chưa được cấp phù hiệu là hoạt động trái pháp luật, cần được kiểm tra, xử lý nghiêm minh”, đồng chí Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định.
Cần khuyến khích, hỗ trợ các hội nhóm xe ghép thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Trong ảnh: Đội xe hợp đồng của Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Thắng Hiền (Phú Thọ) trong một chuyến chở khách. Ảnh: NGUYỄN THẮNG |
Yêu cầu quản lý là thế, tuy nhiên, tìm hiểu thực tế chúng tôi nhận thấy, việc quản lý xe ghép hiện nay rất khó khăn, thậm chí còn có khoảng trống pháp lý. Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Nghị định số 47/2022/NĐ-CP ngày 19-7-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP chưa đưa ra khái niệm “xe ghép”, “xe tiện chuyến” cũng như hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện này. Trước thực trạng xe ghép bùng phát, ngày 5-7-2022, Bộ GTVT có Công văn số 6728/BGTVT-VT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến vận chuyển hành khách không đăng ký kinh doanh theo quy định.
Thế nhưng trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số sở GTVT (xin được không nêu tên) thừa nhận gần như “bất lực”, không thể quản lý xe ghép, dẫn tới thực trạng xe ghép không đăng ký kinh doanh vẫn hoạt động tràn lan, công khai. Lý do được nêu ra là vì lực lượng mỏng, trong khi còn nhiều vấn đề nóng cần quan tâm giải quyết, hơn nữa, xe ghép thường đội lốt xe gia đình nên không có cơ sở xử lý... “Việc phát hiện, xử lý xe ghép rất khó khăn vì không phải xe ô tô nào lực lượng chức năng cũng có thể dừng để kiểm tra mà chỉ dừng kiểm tra theo chuyên đề hoặc khi thấy có dấu hiệu vi phạm. Mặt khác, khi kiểm tra, tài xế nói đây là xe gia đình, chở người nhà đi công việc; hành khách vì sợ phiền hà, lỡ thời gian nên cũng “hùa theo”, khiến lực lượng chức năng không có cơ sở xử lý”, lãnh đạo sở GTVT của một địa phương than thở...
Cần những giải pháp đồng bộ
Để quản lý hiệu quả xe ghép, cần những giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài.
Trước hết, phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo đó, UBND cấp tỉnh cần vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sở GTVT chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng “xe dù, bến cóc”, xe trá hình tuyến cố định, xe ghép trên địa bàn; phối hợp với lực lượng công an, ngành thông tin và truyền thông để kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo dịch vụ xe ghép trái phép trên các trang mạng xã hội.
Để thực hiện tốt việc này, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như thời gian qua, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành GTVT, lực lượng cảnh sát giao thông và cơ quan thuế, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện. TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thì cho rằng, không nên quá nặng về biện pháp hành chính mà cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý nhằm bảo đảm 3 yếu tố: An toàn giao thông, chống thất thu thuế và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Ví dụ như có thể ứng dụng công nghệ số, camera giám sát để quản lý lộ trình, phát hiện, xử lý xe ghép cũng như các số điện thoại thường xuyên quảng cáo dịch vụ xe ghép trái phép...
Nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt sẽ góp phần hạn chế xe ghép hoạt động trái pháp luật. Trong ảnh: Xe buýt đón khách tại điểm trung chuyển Long Biên (Hà Nội). Ảnh: TRUNG HIẾU |
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hành khách thờ ơ với phương tiện giao thông công cộng, xe khách... để tìm đến xe ghép là do chất lượng dịch vụ chưa tốt, chưa tiện lợi. TS Khương Kim Tạo phân tích: “Hiện nay, nhiều quy định quản lý vận tải còn bất cập, chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và nhu cầu, mong mỏi của nhân dân. Chúng ta thường tư duy theo lối cổ điển là xe khách phải đưa khách về bến, trong khi cần có tư duy hiện đại là giao thông thông minh, kết nối, phải tổ chức giao thông thuận tiện cho người dân...”.
Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cũng nhận định, việc phân loại loại hình kinh doanh vận tải trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không còn phù hợp với thực tế phát triển vận tải đường bộ, các quy định để phân định loại hình chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế phát triển của khoa học-công nghệ, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, làm xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các loại hình có hoạt động tương tự nhau; số lượng bến xe khách cũng còn ít và thường xa khu vực trung tâm đô thị, không thuận tiện... Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông, “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng chạy trá hình tuyến cố định, xe ghép, diễn biến phức tạp tại một số địa phương.
Vì vậy, một giải pháp dài hơi là cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo thuận lợi nhất nhằm thu hút hành khách đến với các loại hình vận tải bằng xe khách, xe buýt... Theo đó, các địa phương cần rà soát quy hoạch về hạ tầng giao thông trên địa bàn để giữ nguyên các bến xe hiện hữu trong nội thành, nội thị trước mắt đến năm 2030 nhằm tạo sự ổn định cho hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, tạo thuận lợi cho hành khách; rà soát việc tổ chức giao thông, tổ chức luồng vận tải hành khách theo tuyến cố định bảo đảm có điểm dừng đón trả khách phù hợp; rà soát, tổ chức lại hệ thống biển cấm xe khách vào các tuyến phố gần khu vực các bến xe; tổ chức mạng lưới xe buýt hợp lý, trong đó có các tuyến xe buýt để kết nối bến xe; tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải hoạt động theo tuyến cố định được đầu tư xe trung chuyển phục vụ đưa đón khách đến bến xe, đến điểm đón trả khách theo quy định; tổ chức khu vực dành riêng cho xe taxi, “xe ôm” ở bến xe phù hợp để hành khách vào bến và rời bến được thuận tiện, an toàn...
Cũng theo đồng chí Trần Bảo Ngọc, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động kinh doanh vận tải toàn quốc theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP để giám sát chặt chẽ hoạt động đối với các loại hình kinh doanh vận tải, chống thất thu thuế, bảo đảm công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh; tăng cường quản lý hoạt động vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát, đồng thời rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định.
Bộ GTVT cũng sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội luật hóa một số cơ chế, chính sách như: Ưu đãi thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, linh kiện; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; miễn, giảm tiền thuê đất đối với phần diện tích bãi đỗ xe; ưu tiên đầu tư, xây dựng và bố trí đường, làn đường dành riêng cho xe buýt; nghiên cứu đề xuất chính sách để ưu đãi, khuyến khích phát triển loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định. Quá trình sửa đổi luật trong thời gian tới sẽ phân loại các hình thức kinh doanh vận tải hành khách có đặc điểm hoạt động gần như nhau thành một hình thức kinh doanh nhằm mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, minh bạch và công bằng; nghiên cứu chính sách phát triển bến xe theo mô hình kinh doanh, dịch vụ tổng hợp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng, phát triển bến xe...
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, chúng tôi cho rằng, một giải pháp quan trọng để giải “bài toán xe ghép” là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân, hội nhóm xe ghép thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, hoạt động đúng quy định của pháp luật. “Nếu thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã thì đương nhiên xe ghép sẽ hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Những bất cập, hạn chế hiện nay sẽ được giải quyết và quyền lợi của chính người lái xe cũng được bảo đảm khi được pháp luật bảo vệ, được tham gia bảo hiểm xã hội...”, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.
PHƯƠNG HIỀN
Tin mới
Khai mạc triển lãm ảnh đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 22-11, tại đường Nguyễn Huệ (quận 1), UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh “Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động sáng tạo, xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP Hồ Chí Minh lần thứ IV năm 2024.
Mở cửa phòng trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Phòng chống hàng giả - hàng nhái (29/11), sáng ngày 22/11/2024, tại số 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng Thật - Tránh hàng Giả”.
Một số quy định mới về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam
Ngày 30 tháng 9 năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 120/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/ NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
Bộ Tư pháp đề xuất 7 lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập doanh nghiệp sau khi thôi chức vụ
Bộ Tư pháp đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã sau khi thôi chức vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ công trình xanh
Ngày 22-11, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) cho biết đã chính thức trở thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam được nhận chứng chỉ EDGE (Hệ thống chứng nhận công trình xanh).
TP Hồ Chí Minh xử lý nghiêm vi phạm trong kinh doanh xyanua
Chiều 21-11, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh thông tin: Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm liên quan đến sử dụng hóa chất, Công an thành phố đã triển khai kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, quản lý, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn thành phố.